Coach Wooden – Nguyên Tắc 2: Giúp Đỡ Người Khác ...

Nguyên tắc 2 – Giúp đỡ người khác

 

“You cannot have a perfect day without helping others with no thought of getting something in return… The basic precept of all the great religions is the Golden Rule: Do unto others as you would have them do unto you. Simply stated, it means, ‘Help other.'” – Coach Wooden
“Bạn không thể có một ngày hoàn hảo khi không giúp đỡ một ai đó mà không có bất kỳ suy nghĩ tư lợi gì cho bản thân mình… Nền tảng căn bản nhất của tất cả những tôn giáo vĩ đại đó chính là Nguyên Tắc Vàng: Hãy đối xử với mọi người như cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Hay nói đơn giản nghĩa là ‘Giúp đỡ người khác.'” – Coach Wooden

Mình rất thích cách mà Coach định nghĩa rằng “chúng ta không thể có một ngày hoàn hảo khi không giúp đỡ một ai đó mà không có bất kỳ suy nghĩ tư lợi gì cho bản thân.”
Bạn hãy nghĩ lại xem một ngày của chúng ta có phải quá bận rộn với những suy nghĩ tập trung về “tôi, tôi, tôi” hay không? Trong khi theo Coach thì một ngày hoàn hảo nghĩa là chúng ta tập trung vào việc giúp đỡ, phụng sự người khác. Chúng ta tập trung vào “bạn, bạn, bạn”.
Thoạt nghĩ thì có vẻ ngớ ngẩn khi tập trung vào việc giúp đỡ người khác. Nhưng mình nghĩ đây lại là một cách cực kỳ thông minh để giúp chính bản thân mình. Không một ai có thể thành công một mình được cả. Vậy thì việc chúng ta giúp đỡ người khác mà không vụ lợi gì cả chỉ có thể có lợi cho ta trong tương lai mà thôi. Bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ biết được người nào sẽ giúp đỡ ngược lại ta khi ta cần họ.
Mình đọc về các danh nhân thì luôn thấy rằng họ đều cần có sự giúp đỡ của ai đó trong chặng đường thành công của họ. Cái này quan trọng lắm. Vì chỉ cần ngay thời điểm đó không có người giúp, cuộc đời họ chắc chắn là sẽ rẽ sang một hướng khác rồi. Vậy nên mình khuyến khích tất cả chúng ta cần tâm niệm Nguyên tắc thứ 2 này nếu muốn mình thành công hơn trong cuộc sống.

Những câu chuyện có thật

 

1. Năm 1964, Coach Wooden và đội bóng của mình đã vào đến vòng Tứ Kết. Tại khách sạn ông và toàn đội đang ở, khi băng qua sảnh thì ông nghe thấy tiếng gọi “Coach Wooden!”
Quay người lại, ông thấy hai người đang tiến tới, đó là Coach Scotty Robertson và trợ lý của ông Don Landry. Robertson nói “Chúng tôi rất xin lỗi đã đường đột nhưng không biết ông có thể dành vài phút để giúp chúng tôi hay không?”
Hóa ra đội bóng của Robertson là Tech vừa mới tuyển mộ một cầu thủ cao trên 2m. Mặc dù trước đây đội bóng chỉ toàn các cầu thủ nhỏ người và chỉ dùng chiến thuật run-and-gun (đánh-và-chạy), trong khi Coach Wooden thì đã có nhiều kinh nghiệm huấn luyện đội bóng với nhiều tuyển thủ cao trên 2m.
“Coach Wooden, chúng tôi biết rằng ông có rất nhiều kinh nghiệm huấn luyện các cầu thủ có chiều cao trên 2m. Chúng tôi cần phải thay đổi những gì trong chiến lược của mình?”
Trong vòng 90 phút tiếp theo, Coach Wooden đã huấn luyện miễn phí cho cả hai người này. Vấn đề ở đây là, cả hai đều là những đối thủ tiềm năng của Coach trong vòng đấu này. Nhưng ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ họ. Đó chính là kiểu người của Coach.
2. Nếu bạn muốn gặp Coach Wooden, tất cả những gì bạn cần đó là đến nhà hàng VIP’S từ lúc sáng sớm. Bạn có thể tìm thấy Coach ở đó vào hầu hết mỗi buổi sáng. Xung quanh ông luôn luôn có những người bạn lâu năm ngồi cùng bàn để trao đổi, thậm chí đôi khi có cả những người bạn mới đã nghe danh ông từ lâu và muốn được tiếp nhận sự thông thái từ người đàn ông này.
Cả một quãng thời gian dài sau khi nghỉ hưu, vẫn còn rất nhiều người đến nhà hàng VIP’S để được ông huấn luyện và dẫn dắt cho. Một trong những người hay ăn sáng cùng ông là trợ lý Jay Carty, nói rằng “Thật sự là rất thú vị khi quan sát Coach tại nhà hàng VIP’S. Ông hay đi khắp các bàn khác nhau và trao đổi, chia sẻ với mọi người.”
Bạn thấy đó, dù là người nổi tiếng nhưng ông không quan tâm đến danh tiếng hay vị thế của mình. Ông chỉ đơn giản là thích giúp đỡ người khác và không nề hà gì nếu điều đó nằm trong khả năng của mình.
3. Bóng rổ là một môn thể thao mà việc giúp đỡ đồng đội của mình chính là một trong những điều tạo nên sự khác biệt. Đây là môn thể thao mà người chơi cải thiện bản thân mình bằng cách giúp đỡ người khác.
Coach Wooden nhấn mạnh việc này bằng cách yêu cầu các cầu thủ phải chia sẻ thành quả cho bất kỳ lần ném rổ nào. Có lần, ông đã nói rằng “Nếu một cầu thủ ghi bàn nhờ đồng đội đã chuyền bóng cho anh ta, tôi muốn anh ấy phải chỉ tay đến người đồng đội đã hỗ trợ anh cho đến khi cả hai chạm mắt nhau (make eye contact) như là một cử chỉ của sự cảm ơn và trân trọng…”
Mình thấy đây quả là một điều quá tuyệt vời. Chúng ta giúp đỡ người khác, người khác trân trọng sự giúp đỡ của chúng ta hoặc ngược lại. Nếu trong một đội, hoặc trong công ty, tất cả các thành viên đều thấm nhuần nguyên tắc này thì đội ngũ ấy sẽ mạnh như thế nào?
4. Năm 1948, Coach Wooden là huấn luyện viên trưởng của đội bóng bang Indiana. Trong đội có một tuyển thủ tên Clarence Walker. Mặc dù Walker không nằm trong nhóm năm cầu thủ ra sân đầu tiên, nhưng anh ấy đã giúp đội giành được vé tham dự giải đấu NAIA tại thành phố Kansas.
Thật đáng tiếc rằng 1948 vẫn là năm mà sự kỳ thị màu da vẫn chưa được phá bỏ. Toàn đội của Coach Wooden đều được mời tham dự giải – trừ Clarence Walker. Người da màu không được phép bước chân vào Sân vận động Kansas.
Coach không cần phải cân nhắc bất kỳ giây phút nào, ông nói “Nếu tôi không thể mang Clarence đi cùng thì chúng tôi sẽ không đến dự giải.”
Thời điểm đó, huấn luyện viên của Cao Đẳng Manhattan sau khi nghe tin về đội Indiana của Coach Wooden cũng đã lên tiếng rằng: Nếu Indiana không thể mang toàn bộ đội bóng đến giải, Manhattan cũng sẽ bỏ giải đấu này.
Cuối cùng, NAIA đành phải đưa ra một tiền lệ chưa bao giờ có và cho phép Clarence Walker có thể chơi tại thành phố Kansas. Walker đã phá bỏ ranh giới màu da nhờ Coach Wooden đã luôn giữ chính kiến và nguyên tắc của mình.
Như bạn thấy, một trong những cách để giúp đỡ người khác đó là đảm bảo rằng mọi người được đối xử công bằng, dù cho có thể bạn sẽ phải trả một cái giá để làm điều đó.
Khi được hỏi ông tự hào nhất về điều trong suốt sự nghiệp của mình, Coach không nói về những chiến công hay thành tích mà mình đạt được. Thay vào đó, ông viết rằng “Tôi tự hào về điều gì ư? Sau khi chúng tôi thắng giải đấu quốc gia, một phóng viên đã hỏi một trong những cầu thủ của tôi rằng họ gặp vấn đề gì về phân biệt chủng tộc trong đội hay không. Cầu thủ ấy nhìn vị phóng viên và nói, ‘Chắc anh không biết huấn luyện viên của chúng tôi hả? Ông ấy không nhìn màu da, ông ấy chỉ nhìn thấy những cầu thủ mà thôi.’ Và sau đó anh ấy quay lưng đi. Đó chính là điều làm tôi cảm thấy tự hào.”

Nguyên tắc “Bờ Vai Bám Bụi”

 

Gil McGregor chia sẻ một khái niệm mà ông gọi là “Nguyên Tắc Bờ Vai Bám Bụi”. Ông nói rằng tất cả những người vĩ đại đều có bờ vai bám bụi. Những người vĩ đại đều nâng người khác lên và cho họ đứng trên đôi vai của mình. Họ không quan tâm ai là người nhận được phần thưởng. Họ không quan tâm nếu như vai của họ bị bám bụi. Họ chỉ đơn giản muốn nâng người khác lên.
Sự vĩ đại này là điều chúng ta liên tục nhìn thấy trong cuộc đời của Coach Wooden. Ông luôn luôn nâng ai đó lên. Ông không cần người khác phải công nhận thành quả của mình. Cái ông quan tâm nhất là toàn bộ đội ngũ của mình.
Vào tháng 8 năm 2009, sau khi được nhận giải thưởng của Sporting News với danh hiệu là vị huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử. Đứng cạnh Coach lúc này là 14 cầu thủ đã từng chơi cho đội Bruins. Lời nói cuối cùng mà Coach nói với nhóm cầu thủ này đó là ‘Thầy ước gì thầy đã có thể làm nhiều hơn cho các em.’ Cả 14 cầu thủ đều rơi nước mắt.
Giúp đỡ người khác: đó chính là trái tim và tâm hồn của Coach John Wooden. Và hi vọng rằng đó cũng sẽ là trái tim và linh hồn của tất cả chúng ta.


Chúc bạn một ngày giúp đỡ người khác,


Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.