Giới hạn của con người ...

Khả năng của con người luôn có giới hạn. Bạn tin như vậy? Tại sao không phải là điều ngược lại chứ?
Đứng trước những điều mới mẻ, vượt ngoài sự hiểu biết và khả năng của mình, chúng ta thường nghĩ rằng mình chẳng thể làm được việc đó. Chính suy nghĩ như vậy đã cản trở ta tiến thêm một bước để vượt qua những giới hạn không đáng có của bản thân.

Một người công nhân chỉ học hết phổ thông có lẽ chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ làm được các công việc của vị tổng giám đốc tập đoàn. Các bạn sinh viên mới ra trường luôn hy vọng tìm kiếm công việc phù hợp với ngành mình được đào tạo. Bởi dấn thân sang một lĩnh vực mới luôn là quyết định táo bạo. Trên thực tế, con người luôn tự giới hạn khả năng của mình. Những điều con người làm dường như chỉ gói gọn trong sự hiểu biết về công việc đó. Tuy nhiên, vấn đề này lại không phụ thuộc vào kiến thức sống. Nó lại nằm ở việc ta có dám tiếp nhận những điều mới đến với mình không. Dám hay không dám lại thuộc về suy nghĩ ngay trong bản thân mỗi người.
Trong cuộc sống, ta luôn phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn từ nhỏ đến lớn. Có những điều ta có thể quyết định dễ dàng. Song đôi khi, lựa chọn đó khiến chúng ta khó xử, buộc phải cân nhắc hàng giờ liền, thậm chí trôi nổi qua nhiều ngày cũng không biết nên quyết định ra sao. Bản chất của sự lựa chọn là tìm ra giải pháp phù hợp và có lợi nhất cho bạn. Sự lựa chọn nào phải suy nghĩ, đắn đo nhiều thì nghĩa là bên trong chúng ẩn chứa càng nhiều vướng mắc. Bạn không thể quyết định nhanh vì các vướng mắc đó ngăn cản sự quyết định của bạn. Bởi bạn cảm thấy mình không có khả năng để thực hiện. Bạn cho rằng điều này sẽ gây cho mình sự bất lợi. Hay đơn giản là chúng không mang đến cho bạn sự thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc. Rất nhiều lí do để bạn cân nhắc trước khi quyết định trước một vấn đề trong cuộc sống. Bạn biết không, đó chính là hiện thân của sự giới hạn.
Cuộc sống cũng có lúc đẩy ta vào những hoàn cảnh éo le. Bạn thậm chí còn không được lựa chọn mà buộc phải tiến tới. Chúng có vẻ như nằm ngoài khả năng hay sức chịu đựng của bạn. Đó là khi bạn bị kẹt xe trên đường tham dự một môn thi quan trọng sắp diễn ra. Hay chẳng hạn như bạn phải làm MC bất đắc dĩ thế cho nhân vật chính không thể có mặt kịp thời. Cũng có thể là trường hợp bạn biết mình đã mắc ung thư giai đoạn cuối và không cách nào cứu chữa. Chính vì không sẵn sàng cho các tình huống bất như ý nên bạn cảm thấy khó có thể chấp nhận thực tế phũ phàng. Bởi thế mà từ tâm bạn phát sinh nên những nỗi lo lắng, sự e dè, mất tự tin, thiếu can đảm… Giới hạn nằm ở đó.
Bạn thấy đấy, dường như khi làm một việc gì ta cũng ít nhiều gặp những vướng mắc, trở ngại. Chúng phát sinh một phần do năng lực của ta không đủ. Tuy nhiên, phần lớn khác lại phát sinh từ chính tâm thức của ta. Sự ngăn ngại trong tâm vô tình tạo nên những giới hạn cho con người. Nó xuất phát từ suy nghĩ, cảm nhận của ta về sự việc rồi ảnh hưởng lên hành động. Khi không có sự ngăn ngại trong tâm, bạn sẽ đón nhận sự việc trước mắt một cách tự nhiên. Thậm chí, bạn còn hào hứng và hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Còn trở ngại khiến bạn tiếp cận tình huống bằng sự dè dặt, thiếu hợp tác kèm theo những xúc tình tiêu cực như không thích, không muốn, lo lắng, sợ sệt, mất tự tin… Điều đó tạo nên những cái ngưỡng, hạn chế khả năng của mỗi người. Có những lúc, nó thể hiện sức chịu đựng có hạn của chúng ta. Bởi thế mà việc khó nhiều khi cứ bị chừa lại. Đỉnh cao chỉ dành cho một số ít người.
Ai cũng mong muốn có được thành công trong cuộc sống. Bởi thành công mang lại niềm hạnh phúc nhất định cho mỗi người. Thế nhưng điều này liệu có thể đạt được nếu trong ta cứ không ngừng phát sinh những ngăn ngại? Chẳng nói đến sự thành công, việc phát sinh những cảm xúc không tốt khi đối mặt với một sự việc cũng đã là trở ngại cho ta tiếp xúc với niềm vui và sự an lạc. Như vậy, tâm càng có nhiều ngăn ngại thì hạnh phúc thực sự càng xa vời. Thậm chí, nó còn dẫn đến những điều tệ hại như khơi gợi sự tự ti, mặc cảm, xây dựng thành kiến và làm nhụt chí phấn đấu của chúng ta.
Giới hạn của con người không phát sinh từ điều kiện khách quan. Nó vốn phụ thuộc chính yếu vào ý thức chủ quan của mỗi cá nhân. Giới hạn không đại biểu cho sự đau khổ nhưng luôn ẩn tàng những cảm xúc tiêu cực phá vỡ hạnh phúc đích thực của con người. Nhận biết thấu triệt về sự ngăn ngại trong tâm mới giúp ta nhận thức đúng đắn về con đường tìm đến hạnh phúc đích thực. Bởi hiện thân của hạnh phúc là sự tự do trong tâm hồn.

Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.