tháng 7 2017

Công việc hoàn hảo lúc nào cũng có ý nghĩa và làm bạn cảm thấy thỏa mãn có lẽ là một điều khá viển vông. Thậm chí, những công việc trong mơ cũng có thể trở nên buồn chán, gây áp lực lớn hoặc chẳng có ý nghĩa gì đối với bạn, do đó hạnh phúc thật khó nắm bắt.
Vậy làm thế nào để bạn có thể tìm thấy ý nghĩa trong công việc và làm việc một cách vui vẻ trong khoảng thời gian dài? Làm việc vui vẻ và tìm thấy ý nghĩa trong công việc của chính mình là điều có thể xảy ra nếu như bạn ghi nhớ và vận dụng một số nguyên tắc và hành vi cơ bản dưới đây:
1. Đừng cho rằng làm việc là một điều hiển nhiên 
Có một thành ngữ của người Hy Lạp cổ nói rằng:
How do you get a man to appreciate his donkey?
Answer: “By taking it away!
Tạm dịch:
"Làm thế nào để khiến một người đánh giá cao con lừa của anh ta?"
Câu trả lời: "Hãy lấy con lừa ra xa anh ta".
Với tình trạng dân số thế giới tăng nhanh đáng báo động như hiện nay, bất kỳ ai trong số chúng ta đang có một công việc thực sự thì nên cảm thấy biết ơn. Bởi có rất nhiều người mong muốn có được một công việc ổn định, được trả lương hàng tháng nhưng không thể tìm thấy. Vì vậy, hãy biết ơn vì bạn có việc làm.
2. Hiểu được giá trị của bản thân 
Công việc chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó là một phần trong mục đích sống của bạn và mục đích sống đó phải phù hợp với các giá trị của bản thân bạn. 
Hãy cảm nhận rõ về giá trị bản thân bởi chúng sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui trong công việc. Vậy làm thế nào để có thể xác định được giá trị của bản thân?
Hãy lập ra danh sách 5 thứ quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn. Hãy suy nghĩ về những điều quan trọng như: gia đình, bạn bè, tôn giáo, tiền bạc, nghề nghiệp, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sau đó, tự hỏi bản thân rằng công việc của bạn đang phục vụ những giá trị đó như thế nào và viết ra câu trả lời.
Khi đã hiểu những giá trị cuộc sống của bạn được công việc hiện tại đáp ứng như thế nào, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn với công việc của mình. 
3. Hãy biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực 
Nếu bạn có một ước mơ lớn lao về sự nghiệp của mình - có thể muốn được thăng tiến trong công việc, muốn làm ông chủ của chính mình - hãy tìm ra cách biến giấc mơ của bạn trở thành hiện thực. Bạn có thể phải làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai để thực hiện điều này, nhưng chắc chắn bạn sẽ có cơ hội làm những điều mà bạn muốn và do đó bạn sẽ làm việc vui vẻ trong một thời gian dài. 
Hãy lập một danh sách những bước đi nhỏ có thể giúp bạn tiến gần hơn tới giấc mơ của mình và cam kết sẽ làm một trong những điều đó mỗi ngày. Những bước đi nhỏ này có khi chỉ đơn giản như: "Tìm website có liên quan đến công việc mơ ước và đọc mọi thứ trên đó", hoặc "Đăng ký nhận thông tin qua email có liên quan đến lĩnh vực lý tưởng của mình".
Hãy làm từng việc một mỗi ngày sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới ước mơ của mình. Bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi những hành động nhỏ được thực hiện trong một thời gian dài có thể nhanh chóng giúp bạn tiến gần hơn tới việc đạt được lý tưởng lớn của mình. 
4. Hiểu được tại sao bạn làm việc 
Nếu muốn cảm thấy hạnh phúc trong công việc, bạn cần hiểu được thái độ và lý do mà bạn làm việc. Cần phải có một lý do cụ thể để làm những công việc đó, nếu không bạn sẽ không bao giờ ra khỏi giường vào mỗi sáng. Chắc chắn tiền là một động lực quan trọng nhưng nên có những lý do khác khiến bạn buộc phải thức dậy và ra khỏi nhà đi làm vào mỗi sáng. 
Vậy điều gì là quan trọng nhất với bạn? Hãy trả lời những câu hỏi sau để xác định điều đó: 
·         Bạn làm việc để thử thách bản thân hay muốn có được cảm giác về thành công?
·         Bạn muốn ra khỏi nhà để làm việc với những người khác?
·         Bạn muốn làm ông chủ của chính mình?
·         Bạn muốn thực sự thành công trong lĩnh vực mà bạn đã chọn?
·         Bạn muốn được giúp đỡ những người khác?
·         Bạn muốn trở nên sáng tạo?
Hãy nhìn vào những câu hỏi mà bạn trả lời “”. Công việc hiện tại của bạn có đáp ứng được những nhu cầu và khát vọng đó hay không? Nếu câu trả lời là không thì công việc nào sẽ đáp ứng được điều đó?
5. Trân trọng công việc bạn đang làm
Công việc bạn làm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người khác một cách tích cực theo các cách khác nhau - đó là một thực tế quan trọng mà mỗi người trong số chúng ta cần nhận ra.
Công việc sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi bạn có thể góp phần làm cho cuộc sống của mình và người khác thêm tốt đẹp hơn. Bởi mỗi công việc đều có ý nghĩa riêng của nó, bất kể bạn làm công việc gì.
Công việc không chỉ đem lại cho bạn thu nhập mà còn ảnh hưởng đến những người khác hoặc thế giới mà chúng ta đang sống. Vậy công việc mà bạn đang làm ảnh hưởng tới người khác một cách tích cực như thế nào? Nếu bạn ngừng làm việc đó những người khác sẽ bị tác động ra sao? Hãy viết câu trả lời của bạn ra và bạn có thể thấy rằng công việc mình đang làm là có mục đích và hãy cam kết trân trọng công việc của mình.
Những gì mà bạn đang làm đều có ích và nếu bạn nhận ra được điều đó bạn sẽ cảm thấy những giờ làm việc của mình trở nên ý nghĩa hơn. 
6. Hiểu được mục đích công việc
Mỗi công việc đều có mục đích riêng. Hiểu được điều này có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn về những gì mà bạn làm. Hãy liệt kê ra 3 nhiệm vụ quan trọng nhất mà bạn được giao thực hiện và sau đó, viết ra giấy lý do vì sao bạn cần phải hoàn thành tốt những công việc đó. 
Đặt ra mục tiêu cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ đó một cách hiệu quả và bạn sẽ đạt được nhiều hơn. Ngoài ra, bạn còn nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp và sếp của mình. 
Hiểu mục đích rõ ràng sẽ giúp bạn hiểu được bản thân nên sử dụng thời gian như thế nào và bạn sẽ nhận ra mình đang tập trung vào những điều quan trọng. 
7. Đừng tập trung vào những việc nhỏ nhặt
Tốn thời gian vào những việc không quan trọng là vô ích và dẫn đến sự bất mãn. Nhiều người làm việc 10-12 tiếng một ngày mà còn cảm thấy vẫn chưa làm xong việc. Do đó, hãy tập trung vào những việc lớn và hạn chế bất kỳ những thứ gì làm tốn thời gian hoặc không quan trọng trong ngày làm việc của bạn. 
Hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể của bản thân để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, hơn là chú trọng vào những việc nhỏ nhặt và vặt vãnh. Lập danh sách những việc cần làm và đánh dấu khi bạn hoàn thành. Điều này giúp bạn trở nên làm việc có tổ chức và hoàn thành đúng hạn, bạn sẽ thấy ngạc nhiên với việc đánh dấu công việc hoàn thành khiến bạn thấy hài lòng như thế nào.
8. Hiểu được bản thân thực sự muốn gì
Có những điều làm hấp dẫn bạn làm việc một cách hiển nhiên và kiếm tiền có thể là mục tiêu hàng đầu trong danh sách, nhưng nếu nhu cầu và mong ước bên trong bạn không được đáp ứng khi đi làm, bạn sẽ khó mà cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày. Vì vậy, trên cả việc kiếm tiền, hãy nghĩ đến những gì mà bạn muốn công việc mang lại cho bạn.
·         An toàn trong công việc có quan trọng với bạn không?
·         Một công việc linh hoạt về thời gian có đáp ứng được nhu cầu của bạn tốt hơn không?
·         Bạn có muốn được thăng chức hoặc tăng lương không?
·         Bạn có muốn được đào tạo phát triển những kỹ năng của mình?
·         Một kế hoạch an dưỡng quan trọng với bạn hay thể thao hoặc một câu lạc bộ giải trí ở nơi làm việc sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn?
·         Liệu làm việc tại nhà có phải sự lựa chọn đúng đắn dành cho bạn?
Hãy nhìn vào những câu trả lời "". Công việc hiện tại của bạn có đáp ứng được nhu cầu đó không? Nếu không, đã đến lúc bạn cần nói chuyện với sếp của mình rồi đó.
Nếu việc nói chuyện với sếp không đưa bạn đến đâu cả, đã đến lúc bắt đầu lập kế hoạch thay đổi sự nghiệp. Những nhu cầu của bản thân được đáp ứng là điều rất quan trọng trong việc bạn cảm thấy hài lòng ở công ty và làm việc vui vẻ.
9. Có thái độ đúng đắn
Một thái độ tốt trong công việc đem lại những hiệu quả thực sự và là tiền đề để bạn có thể cảm thấy hạnh phúc, thành công trong công việc. Không phải bất kỳ ai sinh ra đều có thái độ tích cực, nhiều người thường cảm thấy buồn bã và tiêu cực hoặc có người lại nghĩ rằng mọi vấn đề đều xoay quanh họ và bản sơ yếu lý lịch tuyệt vời của họ.
Thái độ tốt là thứ mà mọi người đều có thể xây dựng và phát triển bằng cách luyện tập và lưu tâm. Đặc biệt, việc học hỏi những kỹ năng tương tác tốt là điều không thể thiếu để bạn cảm thấy vui vẻ trong công việc. Nếu bạn có thể học cách nhìn nhận người khác một cách phù hợp, họ sẽ cư xử với bạn tốt hơn và do đó công việc của bạn sẽ khiến bạn hài lòng hơn nhiều.
·         Làm cho người khác cảm thấy tốt về bản thân họ - luôn tìm ra một điều gì đó tốt để nói.
·         Hỏi han đồng nghiệp và quan tâm đến họ.
·         Hãy tôn trọng và cảm ơn bất kỳ lời khuyên hoặc sự giúp đỡ nào mà bạn nhận được.
·         Luôn giúp đỡ mọi người.
·         Học cách thỏa hiệp.
·         Cố gắng vui vẻ vì sự vui vẻ có tính lan truyền.
Hãy cười lên nào! Làm việc vui vẻ và tìm ra ý nghĩa trong công việc của bạn. Bạn xứng đáng với điều đó.


Nhà văn Charles R. Swindoll đã từng nói: “Cuộc sống bao hàm 10% những gì xảy ra với bạn, và 90% cách bạn phản ứng với chúng.” Chúng ta không thể thay đổi thực tế rằng cuộc sống sẽ có lúc vui, lúc buồn, và đôi khi suy nghĩ tiêu cực đã trở thành thói quen khó bỏ. Trong bài viết này, mời bạn cùng Wall Street English tìm hiểu 6 kiểu tư duy lối mòn phổ biến, và những gợi ý hiệu quả để thoát khỏi chúng.

6 tư duy lối mòn thường thấy
1. Tư duy vòng tròn luẩn quẩn
Biểu hiện của lối tư duy này là mỗi khi gặp vấn đề, “khổ chủ” thường nhốt mình trong sự khó chịu, không tìm cách giải quyết, cũng không muốn bỏ qua. Càng ngày, vấn đề họ gặp phải lại trầm trọng hơn lúc ban đầu, khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình dần đi vào bế tắc.

2. Tư duy cực đoan hóa
Biểu hiện dễ thấy của kiểu tư duy này là hay phóng đại và nghiêm trọng hóa vấn đề. Người mắc kiểu tư duy này thường dùng những từ như “luôn luôn”, “không bao giờ”… Ví dụ như chỉ vì một chuyện không hay xảy ra trong chuyến du lịch, họ sẽ nghĩ chuyến đi đó thật tệ hại, không đáng để thử thêm lần nữa.

3. Tư duy trắng – đen
Tư duy trắng – đen khiến chúng ta nhìn cuộc sống chỉ vui hoặc buồn; mọi người ta gặp chỉ tốt hoặc xấu, quyết định đưa ra chỉ đúng hoặc sai. Mặc dù lối tư duy này cũng có điểm tích cực, giúp ta sống rõ ràng hơn, nhưng thực tế là cuộc sống được quyết định bởi vô vàn yếu tố, vì vậy chỉ quan tâm đến 2 khía cạnh như vậy vô hình chung khiến thế giới quan của mỗi người trở nên hạn hẹp.

4. Tư duy sống theo kỳ vọng
“Nạn nhân” của nó mặc định rằng nhiệm vụ của mình là phải sống đúng với kỳ vọng của những người xung quanh (gia đình, người yêu, xã hội,…). Thế là họ trở thành kỹ sư, trong khi thật tâm lại muốn làm… vũ công, hay chấp nhận ở nhà chăm sóc chồng con, dù đã có lúc họ muốn thấy mình tung hoành ở một tập đoàn đa quốc gia, học hỏi từ các đồng nghiệp và đối tác đến từ khắp nơi trên thế giưới.
5. Tư duy gắn mác
Đây là lối tư duy để cảm xúc chi phối mọi đánh giá, dựa trên ấn tượng ban đầu đề quy kết tính chất của mọi người, mọi việc. Ví dụ điển hình là: “Người có hình xăm chắc chắn là không đàng hoàng”, hay “Người không đọc nhiều sách chắc chắn là suy nghĩ rất nông cạn”. Người có lối tư duy này cũng tự gắn mác cho mình và có thể trở nên quá tự ti hoặc quá tự cao, tùy trường hợp.

6. Tư duy vùng an toàn
Biểu hiện của kiểu tư duy này là suy nghĩ “những thứ tốt đẹp đều nằm ngoài tầm với, thôi thì tốt nhất cứ nên bằng lòng với những gì đang có là được rồi.” Tất nhiên, biết hài lòng với thực tại là điều tốt, cho đến khi nó trở thành cái cớ để bạn trì hoãn mọi thứ. Ví dụ, bạn nghĩ trình độ tiếng Anh “lôm côm” như mình thì đời nào có cơ hội được làm trong các tập đoàn nước ngoài, và bạn tự nhốt mình trong công việc nhàm chán, vô vị hiện tại vì những lằn ranh tự tưởng tượng ấy.

Vậy trước vô vàn suy nghĩ lối mòn trong cuộc sống như thế, liệu bạn đã sẵn sàng cho một thay đổi đáng kể? Và bạn cần làm gì để đến được một cái đích mới?

Cách thay đổi tư duy lối mòn
1. Gọi đúng tên vấn đề
Nếu đang cảm thấy cực kỳ ổn với cuộc sống hiện tại, có lẽ bạn không cần phải đọc tiếp đoạn này. Nếu không, hãy thành thật với chính mình và nghĩ kĩ xem, bạn thường rơi vào kiểu tư duy nào ở trên? Bạn có THẬT SỰ muốn và sẵn sàng phá vỡ lối mòn đó trong tư duy của mình chưa?

2. Nhận biết khi nào bạn đang tư duy theo lối mòn
Sau khi định hình nhu cầu thay đổi, bước tiếp theo bạn sẽ cần quan sát bản thân những khi có xu hướng tư duy theo lối mòn. Ví dụ, bạn có thể suy nghĩ rất sáng tạo trong công việc nhưng lại luôn cứng nhắc trong quan hệ xã hội. Ngược lại, bạn năng nổ, vui vẻ khi đi du lịch, nhưng luôn rúc vào vùng an toàn khi nghĩ về sự nghiệp. Nhận biết môi trường, thời điểm, hoàn cảnh giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về sự thay đổi mà mình mong muốn.

3. Thời gian và hành động là chìa khóa
Cuối cùng, hãy để mọi chuyện diễn ra tự nhiên: hãy cứ rơi vào kiểu tư duy cũ, rồi từ từ thay đổi từng chút một. Rất nhiều bạn thường mang tâm lý “lò vi sóng”, chỉ muốn thay đổi được ngay (như bỏ thức ăn vào hâm 1 phút là nóng ngay lập tức) nên mãi chẳng tiến xa hơn được. Như ví dụ về tâm lý “ tôi không thể làm công ty nước ngoài vì tôi yếu tiếng Anh” đề cập ở trên, hãy kiên trì dành tầm 6 tháng – 1 năm để học ngoại ngữ, nâng cao năng lực. Chỉ cần nhẫn nại, bạn sẽ đến được ngày nhận ra chân trời mới sau khi đã dũng cảm gạt bỏ tư duy lối mòn thật sự rất đáng đồng tiền bát gạo.  



Mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều là một món quà quý giá của tự nhiên. Dù mỗi cá thể chỉ là một phần tử nhỏ bé thôi, nhưng chúng ta ở bên nhau để làm nên những điều kỳ diệu.

Cạnh con đường nhỏ, có một cây đại thụ lâu đời. Khi mùa xuân đến, những chiếc lá non bắt đầu vươn lên từ những cành cây và đón nhận những tia nắng mặt trời ấm áp.
Một chiếc lá non vừa vươn mình và lần đầu tiên được ngắm nhìn mặt trời, nó chợt thốt lên: “Ôi chao, mặt trời thật đẹp, mình muốn được tỏa sáng rực rỡ như vậy!”.
Mặt trời nhìn nó và nói: “Cháu chỉ là một chiếc lá, cháu không bao giờ có thể tỏa sáng được như ta đâu!”.
Chiếc lá thất vọng, nhưng nó chợt nhìn lên bầu trời và ao ước: “Bầu trời trong xanh kia mới bao la và rộng lớn biết bao, mình muốn được rộng lớn như bầu trời”.
Nhưng bầu trời nhìn nó và nói: “Cháu chỉ là một chiếc lá, cháu không bao giờ có thể rộng lớn được như ta đâu”.
Chiếc lá thất vọng lần nữa, rồi nó hỏi cây đại thụ:
“Bác cây ơi, liệu một chiếc lá có làm được gì vĩ đại không ạ?”.
Cây lắc đầu trả lời:
“Không đâu, một chiếc lá thì không làm được điều gì vĩ đại cả. Hãy yên phận làm một chiếc lá thì hơn”.
Chiếc lá non buồn rầu ngước nhìn mặt trời, bầu trời và cây đại thụ.
Rồi mùa xuân cũng qua đi, mùa hè đã đến mang theo những tia nắng rực rỡ. Chiếc lá ngày nào giờ đây đã trưởng thành. Bỏ lại chiếc áo xanh non, nó khoác lên mình một chiếc áo màu xanh đậm hơn.
Như mọi ngày, chiếc lá vẫn ngước nhìn lên bầu trời xanh bao la kia, đôi mắt tràn ngập sự ngưỡng mộ và ao ước. Chợt từ đâu một cơn gió đáp xuống chiếc lá, chiếc lá nhìn cơn gió một hồi rồi chợt hỏi:
“Anh gió, anh cứ đi đi về về mãi vậy, chẳng lẽ anh không thấy mệt mỏi sao?”
Gió mỉm cười trả lời:
“Không, tôi không bao giờ mệt cả, mỗi khi tôi mệt mỏi, tôi đều dừng lại nghỉ trên một chiếc lá như cậu, và rồi lại đi”.
Lá ngạc nhiên, nó hỏi lại gió: “Vậy các anh đã đi được đến những đâu?”
“Chúng tôi đi đến tất cả mọi nơi, bất cứ nơi đâu chúng tôi thích, chúng tôi giúp mang hương thơm của những bông hoa đi xa nhất có thể, chúng tôi mang những đám mây lại với nhau”
Và gió hào hứng kể cho lá nghe về những nơi gió đã đi qua, những việc mà gió đã làm, chiếc lá chăm chú lắng nghe và đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Kể xong, cơn gió nói với chiếc lá:
“Thôi nào lá, hãy tiếp thêm sức lực cho tôi đi…”
Chiếc lá hiểu ý, nó liền gồng hết sức mình đẩy cơn gió đi thật xa. Khi chỉ còn lại chiếc lá, nó lại trầm ngâm suy nghĩ. Rực rỡ như mặt trời hay to lớn như bầu trời có ý nghĩa gì. Nó muốn được như gió, tự do ngao du khắp nơi trong trời đất bao la này.
Nó chợt nghĩ, điều quan trọng nhất của cuộc sống này chính là sự tự do, và làm được những điều có ích, nhưng nó chỉ là một chiếc lá, nó làm sao tự do đi lại khắp nơi như gió được. Nó lại thêm một lần thất vọng.
Rồi một ngày nọ, mây đen tụ lại, và trời bắt đầu mưa. Những hạt mưa từ trên trời đổ xuống, thật ngoạn mục, thật đẹp mắt. Chiếc lá vui lắm, nó đỡ những hạt mưa từ trên trời rơi xuống và hỏi những hạt mưa:
“Thật kì diệu, các bạn từ trên bầu trời kia bay xuống đây sao? Các bạn là ai?”
Những hạt mưa nghe thế, cười lớn và nói với lá:
“Phải rồi đấy lá, bọn mình bay từ trên trời xuống đây, bọn mình là những hạt mưa”.
Chiếc lá hỏi mưa: “Các bạn làm thế nào có thể bay từ trên trời xuống vậy được?”
Những hạt mưa bắt đầu kể về câu chuyện của mình. Chiếc lá chăm chú lắng nghe, nó tưởng tượng thật nhiều. Những con sông, và đại dương bao la rộng lớn, và cả những sinh vật lơ lửng bên trong lòng đại dương và những loài cây kì lạ muôn hình muôn vẻ thật kì thú biết bao.
Rồi khi những hạt mưa bốc hơi lên thành mây, lờ lững trôi đi khắp nơi, ngắm nhìn mọi cảnh vật ở vị thế cao nhất. Mưa thật tuyệt vời, nhờ có mưa mà sinh vật, thực vật mới có nước để sống.
Những hạt mưa kể xong câu chuyện của mình, rời khỏi lá và rơi xuống đất. Chiếc lá nhìn theo, trong lòng cảm thấy ghen tị lẫn ngưỡng mộ. Tại sao nó sinh ra lại là lá mà không phải gió, hay những hạt mưa, cuộc sống của họ thật ý nghĩa biết bao.


Nhưng chợt phía dưới bỗng vang lên một giọng nói nhỏ nhẹ của những cây cỏ:
“Anh lá ơi, cám ơn anh nhé! Anh thật vĩ đại!”
Chiếc lá giật mình nhìn xuống phía dưới, nó ngạc nhiên lắm, liền hỏi lại:
“Các bạn nói sao, tôi vĩ đại ư? Tại sao? Tôi không rực rỡ như mặt trời, tôi cũng không to lớn như bầu trời. Tôi chỉ là chiếc lá bé nhỏ mà thôi”.
Những cây cỏ phía dưới đáp lại nó:
“Anh không to lớn như bầu trời, anh chỉ là một chiếc lá nhỏ bé, nhưng anh đã che chở cho tất cả chúng tôi. Anh che chắn cho chúng tôi khỏi ánh nắng mặt trời mùa hè, anh đỡ những hạt mưa từ trên trời rơi xuống, giúp chúng tôi không bị mưa làm dập nát. Anh tiếp thêm sức lực cho gió, giúp gió mang hương thơm từ những loài thảo mộc như chúng tôi đến khắp mọi nơi. Đối với chúng tôi, anh là người vĩ đại nhất”.
Chiếc lá nghe thấy vậy, nó cảm động lắm, lần đầu tiên trong đời, nó cảm thấy nó tự hào vì sinh ra là một chiếc lá bé nhỏ. Kể từ đó, mặc cho ánh mặt trời thiêu đốt, mặc cho mưa gió bão bùng quất vào người đau rát, lá vẫn vươn tấm thân bé nhỏ của mình lên đón nhận tất cả.
Thế rồi thời gian qua đi, mùa hè với những tia nắng bỏng rát, những cơn bão khủng khiếp cũng qua đi. Mùa thu đã đến, và chiếc lá đã già, nó đã không còn xanh tươi như xưa. Giờ đây, chiếc lá khoác lên mình chiếc áo màu vàng trầm buồn của mùa thu.
Nó nghĩ về những tháng năm nó đã sống, nhìn lại những việc mình đã làm, nó cảm thấy tự hào lắm, nhưng nó đang nuối tiếc. Chiếc lá đã tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, nó đã sống hết mình vì điều đó, nhưng giờ đây nó đã già, nó đang tiếc nuối đi những năm tháng của tuổi trẻ.

Nó muốn tiếp tục cuộc sống, muốn tiếp tục cống hiến. Rồi nó tự thắc mắc, điều gì tiếp theo khi ta đã chết, những việc ta làm còn ai nhớ tới. Nó chợt không hiểu được, những việc làm của nó trong thời gian qua, giờ đây còn có ý nghĩa gì.
Dòng thời gian lại tiếp tục, mùa thu qua đi, và giờ thì mùa đông đã đến. Hơi thở lạnh lẽo của mùa đông kề sát chiếc lá, nó cảm thấy không còn tiếp tục được nữa. Nó bèn buông mình từ cành cây, gió cuốn lấy chiếc lá như đang vấn vương, cùng chiếc lá bay lượn vài vòng trên không trung rồi nhẹ nhàng đặt chiếc lá xuống đất và rời đi.
Lúc này đây chỉ còn lại chiếc lá, nó cảm thấy thật cô đơn, nó cảm thấy, thời gian của nó thật sự đã sắp hết, nó thật sự đã chẳng thể làm được gì nữa. Nhưng nó vẫn không ngừng suy nghĩ, nó vẫn băn khoăn. Về điều gì đó, phải chăng là về cuộc sống.
Chiếc lá nhìn những cây cỏ đang co lại ngủ dưới mùa đông lạnh giá, rồi nó nhìn lên những cành cây xơ xác, nơi mà trước đó nó đã ở đó. Rồi như chợt phát hiện ra điều gì, chiếc lá ngây ngô nhìn cành cây, rồi nó như chợt hiểu ra, lần này nó tin nó đã biết được ý nghĩa thật sự của cuộc đời, nó nằm đó, và quyết tâm chờ đợi.
Mùa xuân đã sang, trên cành cây, những chiếc lá non vừa vươn ra trước ánh mặt trời. Một chiếc lá non hỏi cây:
“Bác cây ơi, liệu một chiếc lá có làm được gì vĩ đại không ạ?”
Cây vừa định trả lời thì có một giọng nói yếu ớt vang lên:
Chúng ta sinh ra để cùng nhau làm nên những điều vĩ đại”.
Tất cả cùng sửng sốt nhìn xuống phía dưới. Mùa đông đã qua đi, nhưng vẫn còn một chiếc lá héo úa trụ lại được đến giờ phút này. Chiếc lá cất tiếng nói xong, nó trút hơi thở cuối cùng của mình với một nụ cười mãn nguyện.
Không quan trọng chúng ta là ai, mà quan trọng ở việc chúng ta sẽ đi đến đâu. Giá trị của mỗi cá nhân cũng không chỉ nằm ở việc bạn đã sống như thế nào, mà ở những gì bạn để lại sau khi không còn trên đời nữa.

1. Tiền không thể giải quyết tận gốc vấn đề
Tiền chỉ là công cụ để mua những thứ bạn cần nhưng không phải là giải pháp tận gốc cho những rắc rối. Nhiều người sống một cách trọn vẹn và hạnh phúc mà không có nhiều tiền. Ngược lại, có người sở hữu đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng lại phải chịu một cuộc đời bất hạnh, hoặc rủi ro, bệnh tật, hoặc thiếu thốn tinh thần.
Tiền có thể mua được nhà đẹp, xe sang, áo quần hàng hiệu, có thể cho người ta cảm giác an toàn và thoải mái bề mặt. Nhưng nó không thể cứu vãn một mối quan hệ đổ vỡ, xoa dịu sự cô đơn. Niềm “hạnh phúc” mà nó đem lại chỉ chớp nhoáng và không thực sự chân thật. Hạnh phúc không thể đem ra mua bán. 
Tiền bạc chính là vật ngoài thân, nhắm mắt xuôi tay rồi thì bạc vàng đầy kho, của cải đầy nhà cũng trở thành một đống rác không hơn không kém.
2. Sống chậm lại 
Khi còn trẻ, khí chất tràn trề, ai cũng có cao vọng. Chúng ta muốn có được mọi thứ cùng một lúc. Chúng ta cố gắng ra quyết định, lập kế hoạch cho cuộc đời mình, trải nghiệm mọi thứ, leo lên đỉnh cao sự nghiệp, tìm một nửa đích thực và nghiệm ra ý nghĩa cuộc sống.
Nhưng hãy sống chậm lại, đừng quá vội vã! Hãy để cuộc đời của bạn gợi mở từ từ. Hãy tĩnh lặng nhìn xem con đường của bạn là gì. Chúng ta cần thời gian để suy xét về những lựa chọn. Hành động là tốt nhưng hãy tặng cho mình những khoảng lặng để suy tư.

Hãy tận hưởng những món ăn ngon, dành thời gian cho những người xung quanh và kiên nhẫn lắng nghe người đối diện. Hướng tới những mục tiêu và kế hoạch tương lai là một việc nên làm nhưng nếu bị chúng cuốn đi bạn sẽ kiệt sức và bỏ lỡ nhiều điều trong cuộc sống.
3. Không thể làm hài lòng tất cả mọi người
“Tôi không biết bí quyết dẫn đến thành công, nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người” – Bill Cosby
Bạn không cần sự đồng tình hay yêu quí của tất cả mọi người. Bản năng của con người là muốn được yêu thương, tôn trọng và cảm thấy quan trọng. Nhưng không phải vì thế mà bạn phải đánh đổi cả sự chính trực và hạnh phúc của mình.
Người khác không thể mang lại cho bạn giá trị mà bạn hằng tìm kiếm. Nó đến từ trong tâm. Hãy dám nói ra suy nghĩ của mình, kiên định khi cần thiết, yêu cầu sự tôn trọng và sống đúng với giá trị bản thân.
4. Sức khỏe là tài sản qúy giá nhất
Sức khỏe là vô giá, hãy trân trọng và bảo vệ nó. Chúng ta thường không lo lắng, không bận tâm quá nhiều về việc chăm sóc sức khỏe cho đến khi những cơn đau tim, loãng xương, đột quỵ, ung thư xuất hiện. Đừng lãng phí sức khỏe vào những năm tháng bồng bột của tuổi trẻ. Hãy chú ý bảo trọng mình nếu bạn không muốn phải hối tiếc sau này.
5. Không thể luôn có những gì mình muốn
“Cuộc sống là những gì diễn ra khi bạn đang mải mê lập các kế hoạch khác” – John Lennon
Cho dù bạn có vạch ra kế hoạch tỉ mỉ thế nào, làm việc chăm chỉ ra sao, đôi khi mọi thứ vẫn không diễn ra như những gì bạn mong đợi. Nhưng điều đó cũng chẳng hề gì. Ai cũng có kì vọng, viễn cảnh về một cuộc sống lý tưởng nhưng thông thường mọi chuyện vẫn thường không như nguyện. 
Sẽ có những ước mơ không thành, những kì vọng không đạt được, những dự tính thay đổi giữa chừng. Tuy nhiên, những thất bại và trải nghiệm mới mẻ là cần thiết để bạn tìm ra con đường đúng đắn cho riêng mình. Hãy học cách chấp nhận và làm mọi thứ tốt hơn ở một cơ hội khác. 
6. Mọi thứ không chỉ xoay quanh bạn
Bạn không phải là trung tâm của vũ trụ. Nhưng chúng ta vốn đã quen nhìn nhận thế giới xung quanh bằng lăng kính của riêng mình. Chúng ta luôn quá để tâm vào những việc của cá nhân mình (sở thích, sự nghiệp, tâm tình, nỗi buồn, niềm vui…). 
Hiểu rõ những gì diễn ra trong đời mình là việc quan trọng nhưng những người xung quanh cũng đáng được quan tâm vì mỗi việc bạn làm đều có ảnh hưởng tới họ. Chỉ khi biết quan tâm đến người khác, nghĩ cho người khác, bạn mới có thể bồi đắp cho mình một trái tim khoan dung và tấm lòng lương thiện. 
7. Đừng xấu hổ khi thừa nhận rằng “Tôi không biết”
Không ai có thể làm được tất cả và không có gì đáng xấu hổ khi nói “Tôi không biết”. Cố tỏ ra mình hoàn hảo không khiến bạn trở nên hoàn hảo. Nó chỉ khiến bạn cứ mãi khổ tâm mà đeo đuổi sự giả tạo.
Người ta sợ bị kỳ thị và thấy gượng gạo khi thừa nhận những giới hạn và thiếu sót của bản thân. Tuy nhiên con người ai cũng có khiếm khuyết, cũng từng phạm sai lầm. Điều quan trọng nhất là có thể học cách đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và rộng lượng với bản thân mình thêm một chút. 
Không thừa nhận chỗ thiếu khuyết của mình, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thực sự tiến bộ được.
8. Tình yêu không chỉ là cảm giác, mà là sự lựa chọn
Cảm giác thích thú ban đầu, nhịp đập bồi hồi của con tim hay sự đam mê cháy bỏng trong tình yêu đều không kéo dài. Điều đó không có nghĩa là một tình yêu bền chặt không tồn tại. Tình yêu không chỉ là cảm xúc, đó là sự lựa chọn. Chúng ta cần buông bỏ sự khó chịu, chọn tha thứ, tử tế, tôn trọng, giúp đỡ và chung thủy với người kia. Đó không phải là chuyện đơn giản, và chúng ta vẫn cần phải nỗ lực vô vàn. 
9. Giữ vững chính kiến, niềm tin  
Khi lo lắng, buồn phiền, bạn dễ mất đi chính kiến. Nhiều người đang thực sự nghĩ rằng nếu như không thể có được những thứ quan trọng nhất trong đời thì cuộc sống chừng như trở thành địa ngục. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, xa hơn, sau nửa đời người những mâu thuẫn, thất bại, điều không như ý, sự khinh mạn hay vinh quang, chiến thắng nhất thời, tất cả đều không còn ý nghĩa gì.
Điều bạn cần giữ vững chính là chính kiến của mình, là niềm tin kiên định, là lập trường vững vàng. Khi có được những thứ ấy, nào có lo sợ gì mình không tìm thấy ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời nữa đây?
10. Đừng coi mọi thứ là hiển nhiên
Chúng ta thường không trân trọng những gì mình có đến khi đánh mất nó, bao gồm sức khỏe, gia đình, bạn bè, công việc, tiền bạc. Khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ rằng bố mẹ vẫn luôn ở đó. Nhưng đến một ngày họ sẽ phải ra đi.
Bạn cho rằng bạn có nhiều thời gian để giữ liên lạc với những người bạn, nhưng thực tế cuộc sống sẽ cuốn mỗi người đi theo một hướng, những cuộc gặp gỡ dần thưa thớt rồi biến mất hẳn.
Bạn nghĩ chắc chắn sẽ có tháng lương tới, nhưng ngay ngày mai ông chủ có thể sa thải bạn chỉ vì một lỗi lầm ngớ ngẩn. Bạn không thể đảm bảo chắc chắn rằng những thứ mình đang sở hữu sẽ vẫn ở nguyên đó vào ngày mai, kể cả những người bạn thương yêu nhất. 
Đừng coi mọi thứ là hiển nhiên, những gì đạt được là tất yếu. Sóng gió vẫn luôn không ngờ, cuộc đời chắc chắn phải có phong ba. Hãy học cách đối đầu và chấp nhận mất mát, hãy học cách vực dậy và chấp nhận làm lại từ đầu.
Cuộc sống vẫn sẽ luôn tiềm ẩn khó khăn, khổ đau nhưng chỉ cần bạn luôn giữ vững niềm tin mọi thứ đều sẽ dần trở nên tốt đẹp. Cơn mưa dông trút nước trắng trời cũng không thể kéo dài quá nửa ngày. Cuộc đời cũng sẽ không thể có quá 3 ngày liên tiếp khổ đau, buồn bã. Hãy nhìn về phía trước vì ở đó những gì tốt đẹp vẫn còn chờ…

Để đạt được một điều gì đó trong đời, ngoài việc tích lũy những kiến thức và kĩ năng, con người ta cần phải biết lựa chọn và buông bỏ. Vậy rốt cuộc chúng ta phải làm gì để có thể vững bước trên con đường của những ước mơ và lý tưởng?
Ở một vùng quê nọ, có hai cha con làm nghề trồng hoa đang sinh sống trong một khu vườn rộng lớn. Người cha qua những năm tháng nỗ lực tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình từ hai bàn tay trắng, đã trở thành một nhân vật có tiếng trong lĩnh vực trồng hoa và được cả xã hội công nhận.
Trong khi đó, người con sở hữu rất nhiều tài năng, và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ cùng cuộc sống vật chất đủ đầy, thế nhưng ở tuổi 35, anh vẫn là một người vô danh tiểu tốt. Anh luôn suy nghĩ về điều này, vẫn không thể hiểu tại sao mình biết nhiều việc, làm nhiều điều hay mà đến giờ vẫn không có thành tựu.
Một ngày, người cha đưa anh đến vườn hoa mà ông chuẩn bị thu hoạch, chỉ vào cây bông hồng to nhất, đẹp nhất và rực rỡ nhất nằm giữa vườn rồi hỏi:
“Con có biết tại sao cây bông hồng kia lại to và đẹp rực rỡ hơn các cây khác không?”. 
“Có phải vì cha mua giống mới không?” – Người con trai đáp.
“Không phải… tất cả đều chung một giống hoa con ạ”. 
“Thế có phải cha tưới cho nó nhiều nước và bón cho nó nhiều chất dinh dưỡng hơn không?” – Người con trai tiếp tục đưa ra câu trả lời.
“Cũng không phải. Môi trường sinh trưởng của chúng đều như nhau”. 
“Vậy thì chắc là đất ở chỗ đó tốt hơn rồi?”.

“Con lại sai nữa rồi. Đất cũng giống nhau”. 
Người con không nghĩ ra câu trả lời nào khác nên đành bỏ cuộc. Lúc này, người cha mới ôn tồn giải thích:
“Con có nhận thấy các cây bông hồng xung quanh ít lá và ít nụ không?”. 
“À đúng rồi. Nhưng có nghĩa là gì hả cha?”. 
“Trong khu vườn này, chỉ duy nhất có cây bông hồng này là ta thường xuyên nhìn tới. Khi thấy nhiều lá mọc quanh nó, ta tỉa bớt. Khi thấy nó có nhiều chồi, nhiều nụ đâm ra, ta cũng tỉa bớt”. 
Người con có vẻ hiểu ra điều gì đó, gật đầu liên tục. Người cha tiếp lời:
“Tất cả các cây hồng đều có điều kiện sống như nhau, nhưng cây này lại được đặc ân của ta là tỉa bớt cành, nụ và lá nên chất dinh dưỡng sẽ tập trung vào bông hoa, không bị phân tán đi nơi khác. Chính vì thế nó to hơn, đẹp hơn và rực rỡ hơn.”
Trầm ngâm một lúc, ông lại tiếp:
“Cũng như con, tuy con rất giỏi, rất nhiều tài, làm được rất nhiều việc nhưng con vẫn chỉ giống như những người khác vì con thiếu tập trung, bị phân tán năng lượng và thời gian vào quá nhiều thứ. Con cần phải xác định cho mình một con đường riêng. Con đam mê gì nhất, điều gì khiến cho con trăn trở nhất, điều gì khiến con có thể sống chết với nó, không quản khó khăn? Hãy theo đuổi thứ mà con yêu nó còn hơn yêu bản thân mình. Lúc đó, con sẽ là người thành công, con trai ạ!”. 
Nghe xong câu chuyện, người con đã hiểu ra vấn đề. Anh bật khóc rồi ôm chầm lấy người cha, cảm ơn ông vì đã giúp anh nhìn nhận cuộc đời tốt hơn.
Suy ngẫm:
Khi thực hiện hay theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào, không chỉ trong công việc, mà ở các khía cạnh khác của cuộc sống như tình yêu, bạn bè và gia đình, mỗi chúng ta cần phải chuyên nhất. Ai cũng cần dành trọn tâm trí và nỗ lực để theo đuổi những gì mình mong mỏi, không nên để những điều vụn vặt, nhỏ lẻ xung quanh làm phân tâm và xao nhãng.
Khi phải đứng trước ngã ba đường, chúng ta cần dũng cảm chọn lựa. Một người có thể giỏi rất nhiều điều, nhưng để thành công và đạt được mục tiêu, ai cũng chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực. Làm việc gì cũng cần tấm lòng và sự thủy chung, bởi con đường nào đi cũng chứa đầy những khó khăn.
Nếu “đặt hai chân trên hai chiếc thuyền“, chúng ta sẽ chẳng đi tới đâu vì đã để năng lượng của mình phân tán.
Trong khi đó, bản chất của thành công không ở “đất, giống và điều kiện sống”, mà nằm ở cách ta “vun trồng”. Vậy nên, kết quả của việc lựa chọn không phải là điều quan trọng nhất, mà thái độ và công sức chúng ta mang theo trên mỗi con đường mới là yếu tố cốt lõi. Hãy biết buông bỏ những sự lựa chọn không hợp lý khiến chúng ta phân tâm khỏi mục tiêu ban đầu và dành trái tim, khối óc mình đeo đuổi những điều chúng ta hằng mơ ước. Bạn cũng đừng sợ thất bại vì cuộc đời vốn không có ranh giới rõ ràng cho đúng sai. Công sức và nỗ lực nào bỏ ra cuối cùng cũng sẽ được đền đáp xứng đáng.


Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.