tháng 9 2017

Ai cũng muốn được hoàn thiện bản thân và được mọi người thừa nhận năng lực, kế tiếp là được đánh giá cao. Nhưng làm cách nào?
Có người bạn chia sẻ với tôi: công việc nhiều quá, đuối sức quá, lương lại không cao, có cảm giác cái công việc này nó như đang vắt kiệt sức mình, không biết có nên nghỉ làm không?.

Tôi chẳng khuyên gì bạn nhiều, tôi chỉ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm tôi đã trải qua cũng như những suy nghĩ của riêng tôi, nếu bạn tinh ý, đó cũng có thể được ngầm hiểu như những lời khuyên.

Hành trình hoàn thiện bản thân luôn có nhiều thử thách
Những thách thức trong công việc & sự nghiệp
1. Tôi từng bị lạc lõng trong tập thể lớn với những lời cảnh báo về việc đồng nghiệp khó hòa nhập. Công việc mới chưa từng có kinh nghiệm trước đây nên trong quá trình làm việc lại nhận thêm những lời cảnh báo khác. Tôi tiếp nhận hết mọi luồng thông tin phản hồi về mình, lắng nghe một cách có chọn lọc. Những gì còn thiếu sót thì tôi không ngại tiếp thu và sửa đổi. Những nhận xét thiên về cảm tính con người thì tôi không ngại thể hiện chính kiến riêng ở mức độ khéo léo và thắng thắn vừa phải.
2. Những gì tôi đạt được ngày hôm nay: được mọi người yêu mến và tin dùng; là kết quả được kết tinh từ những nỗ lực chứng minh được và nhìn thấy được. Điều đó hiển nhiên không thể diễn ra ngày một ngày hai, mà đó là cả một quá trình hoàn thiện bản thân để chứng minh năng lực của mình cho mọi người xung quanh. “Làm việc hiệu quả & tin vào chính mình” chính là những bí quyết của tôi.
3. Tôi đã từng trải qua cảm giác của bạn: công việc nhiều nhưng thu nhập không tương xứng. Tôi cũng đã từng cầm đơn đi xin việc nơi khác với mong muốn có được mức lương cao hơn. Tôi thấy rằng: để xin việc lương trung bình thì không khó, nhưng để có được sự kì vọng mình mong muốn thì không dễ chút nào. Nhìn vào chặng đường đã qua và những mong muốn cá nhân, tôi tự nhủ phải nghiêm túc nhìn lại những gì mình đã và đang đạt được: kiến thức mới, công việc yêu thích, những trải nghiệm du lịch, công việc trong phạm vi kiểm soát linh động và tổng mức thu nhập không phải là không chấp nhận được. Tôi tự nhủ, nếu mình nhìn thấy được những điểm tích cực mà công việc mang lại, mình sẽ thôi việc đang đứng núi này trông núi khác.

Phải biết vượt qua những chông gai và thử thách để hoàn thiện bản thân
4. Thật tình vẫn còn nhiều cơ hội và thách thức tôi muốn mình trải nghiệm nhiều hơn ở cái nơi tôi đang gắn bó. Vì nếu chỉ nhìn vào bề nổi và những thành tựu nhỏ bé trước mắt thôi mà đã tự thỏa mãn và tự kiêu thì quả thật tôi quá phiến diện và tự phụ. Nếu nhìn xa hơn ra xung quanh, bạn bè và những tấm gương thành công mà tôi ao ước; sự kiên trì và thủy chung của họ chính là chìa khóa cho mọi thành công mà họ có được. Vài năm kinh nghiệm ở một vị trí công việc nào đó mới đáng nói, chứ vài tháng hay thậm chí một năm mà bạn đã mất kiên nhẫn vì việc khó, nhiều, bất công thì quả thật, bạn mới là vấn đề. Những lúc như vậy, tôi thường tự hỏi mình muốn gì? Mục tiêu của mình là gì? Có phải mình là loại người không có khả năng vượt khó? Liệu với tính cách như vậy, mình sẽ thành công ở môi trường khác?
5. Tôi cũng đặt ra cho bạn tôi những câu hỏi như: bạn có yêu cái nghề bạn đang theo đuổi không? Bạn có hiểu được tính chất nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi không? Đồng nghiệp và cấp trên của bạn chắc hẳn cũng bộn bề công việc; và để leo lên được vị trí cấp cao ấy, hẳn họ cũng đã từng trải qua vị trí như bạn bây giờ. Liệu bạn có thể nhìn vào họ để tiếp thêm động lực? Sự ra đi và từ bỏ bao giờ cũng dễ. Nhưng để trụ vững, nâng tầm bản thân, cải thiện khả năng vượt khó, khả năng chinh phục các thử thách khi bạn còn trẻ mới là điều đáng nói. Suy nghĩ tốt hay xấu là tại tâm. Nếu bạn có được những suy nghĩ tích cực, rằng tất cả những gì bạn đã, đang và sẽ trải qua chính là những quyền lợi và cơ hội của bạn thì nó chính là như vậy. Con đường dẫn lối đến thành công bao giờ cũng cần phải trải qua từng giai đoạn; nhiều khi chúng ta không thể đi tắt, đón đầu nếu như chưa được chuẩn bị đầy đủ mọi hành trang.
6. Tôi cũng chia sẻ với bạn tôi những trường hợp đồng nghiệp của tôi luôn kêu ca là họ nhiều việc. Khi phân tích cái sự nhiều việc của đồng nghiệp và so sánh với công việc tính chất tương đương tôi phải làm hằng ngày, tôi thấy chẳng có gì gọi là nhiều. Phải chăng những con người luôn ca thán với mọi người rằng mình nhiều việc, thực chất họ không biết cách quản lý thời gian và quản lý khối lượng công việc của bản thân?
Có một câu nói của ai đó mà tới tận bây giờ tôi vẫn rất tâm đắc: “Gởi cho những ai đang cảm thấy mình đang rất vất vả trong công việc: Thử đeo một đồng hồ bấm giờ vào một ngày làm việc. Mỗi lần bạn bắt đầu làm việc, bấm đồng hồ, rồi mỗi khi ngưng làm việc – để uống nước, tán chuyện, mơ mộng nhìn trời – bấm ngưng đồng hồ. Đến cuối ngày, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng số giờ làm việc hiệu quả rất ít, thế mà bạn lại có cảm giác mình làm việc vất vả suốt ngày. Thời gian thực hiện hiệu quả nhất là khi bạn hoàn thành sớm công việc và còn thời gian quay lại để hoàn thiện thêm. Như vậy tốt hơn là rối rít làm xong ngay trước hạn chót. Nhìn chung, nếu có thể dành thời gian để đánh bóng thêm cho công việc, bạn sẽ có cơ hội vượt trội. Có một câu nói đùa: Nếu muốn làm xong việc gì, hãy nhờ người bận rộn”.
Quản lý & hoàn thiện bản thân: Dễ hay Khó?
Câu trả lời của tôi là dễ mà khó. Nếu bạn vẫn còn loay hoay không biết con đường mình đi là hướng nào, bằng phương tiện gì thì đó quả thật là khó khăn. Nhưng nếu bạn hiểu bạn muốn gì, khả năng của bạn tới đâu, tư duy, kiến thức và nhận thức của bạn rõ ràng và đầy đủ như thế nào thì sẽ là dễ dàng. Sự hoàn thiện bản thân là việc cần làm suốt đời. Chúng ta không cần phải vội vàng “hoàn hảo” khi chúng ta chưa đến độ tuổi thích hợp. Chúng ta nên “hoàn hảo” theo từng giai đoạn, với những mức độ “hoàn hảo” khác nhau.
Việc quản lý bản thân & quản lý khối lượng công việc để đạt được mục tiêu cần phải có một số kỹ năng nhất định. Kỹ năng hoàn toàn có thể được trau dồi qua việc quan sát và học hỏi. Tuy khả năng tiếp thu và phát triển các kỹ năng ở mỗi người mỗi khác nhưng đều không quan trọng bằng việc bạn thể hiện được sự cầu tiến của bản thân như thế nào. Sẽ có những công việc & môi trường làm việc thích hợp dành riêng cho bạn. Sẽ có những thời khắc bạn leo lên được vị trí mà bạn xứng đáng có được. Tuy nhiên, nếu mọi thứ vẫn chưa xảy ra với bạn sau khi bạn đã chịu khó và cố gắng rất nhiều, lúc đó bạn hãy cân nhắc một hướng đi mới. Nhưng nếu bạn vẫn chưa cố gắng hết mình, hãy xem lại bản thân.
(Bài viết của Giang Gina)



“Những gì bạn thực sự tin tưởng bằng tất cả cảm xúc sẽ trở thành hiện thực”

Quy luật Niềm tin phát biểu rằng, bất cứ điều gì bạn tin tưởng chân thành, nó sẽ trở thành hiện thực. Bạn càng có niềm tin mãnh liệt là một điều gì đó sẽ trở thành hiện thực thì điều đó càng dễ trở thành hiện thực. Thật sự tin tưởng vào một điều gì đó nghĩa là bạn không thể tưởng tượng được nó sẽ trở thành một cái gì đó khác.
Niềm tin chính là bộ lọc lựa chọn thông tin và chỉ lối cho mọi hành động. Bạn không nhất thiết phải tin những gì mình thấy, nhưng bạn thường có xu hướng thấy những gì bạn đã tin. Bạn cũng thường loại bỏ những thông tin trái ngược với những gì bạn đã tin tưởng mà không xem xét liệu niềm tin và thành kiến của bạn có dựa trên sự thật khách quan hay chỉ là cảm nhận chủ quan.
Ví dụ, nếu bạn tin tưởng tuyệt đối rằng bạn sẽ đạt được thành công lớn trong cuộc sống, sau đó dù điều gì xảy ra cũng không quan trọng, bạn sẽ tiếp tục tập trung vào mục tiêu của bạn. Không gì có thể ngăn cản bạn được.

Mặt khác, nếu bạn tin tưởng rằng thành công là do may mắn hay tình cờ, thì bạn sẽ dễ dàng trở nên chán nản và thất vọng khi mọi việc không diễn ra như bạn mong muốn. Niềm tin của bạn sẽ quyết định việc bạn thành công hay thất bại.

Niềm tin vào bản thân
Nhìn chung, mọi người sẽ có một trong hai thế giới quan:
Một là thế giới quan tích cực: Nếu bạn có quan điểm thế giới nhân đạo thì nói chung, bạn tin tưởng rằng thế giới là một nơi tốt đẹp hiền hòa. Bạn có xu hướng quan sát những điều tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi hoàn cảnh và tin tưởng rằng có rất nhiều cơ hội xung quanh bạn. Bạn tin tưởng vào tương lai, vào bản thân và người khác. Về cơ bản, bạn có thái độ lạc quan.
Hai là thế giới quan tiêu cực: Một người có thế giới quan tiêu cực về cơ bản là bị động và có thái độ bi quan đối với chính bản thân họ và cuộc sống. Người đó tin rằng: Những người giàu sẽ ngày càng giàu hơn, những người nghèo sẽ ngày càng nghèo đivà, cho dù bạn có làm việc chăm chỉ như thế nào thì bạn cũng vẫn không thể phát triển.
Kiểu người này chỉ nhìn thấy sự bất công, áp bức và bất hạnh ở khắp nơi. Khi những điều không hay xảy ra với họ, như vẫn thường thế, họ đổ lỗi cho sự kém may mắn và cho người khác. Họ nghĩ mình là nạn nhân. Vì thái độ này mà họ không thật sự yêu quý hay tôn trọng bản thân họ.
Những người có thái độ lạc quan thường hoạt bát, vui vẻ. Với họ, thế giới là một vùng đất tốt đẹp, tươi sáng.
Tuy nhiên, chướng ngại tinh thần lớn nhất mà bạn phải vượt qua là những thứ còn chứa trong niềm tin của bạn. Chúng hạn chế bạn trên một số mặt. Chúng kéo bạn trở lại bằng cách ngăn chặn sự cố gắng của bạn. Chúng thường xuyên làm bạn chứng kiến những điều không có thật.
Thành kiến nghĩa là vội vàng đánh giá, đi đến kết luận trái ngược với bất kỳ thông tin nào, hoặc thậm chí bất chấp thông tin. Để thành công, bạn cần thiết biết kiềm chế việc đánh giá con người hay hoàn cảnh cho đến khi có đầy đủ thông tin. Quan trọng hơn hết, bạn phải kiềm chế vội vàng xét đoán bản thân cũng như những suy nghĩ có tính chất thu hẹp. Điều này thường xảy ra khi bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, không có năng lực, không giỏi giang như những người khác cũng chính là lúc bạn đang để bản thân rơi vào cái bẫy thông thường là tự chấp nhận những mục tiêu thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế của mình.
Bạn có thể cảm nhận rằng mình không thông minh lắm bởi lực học ở trường của bạn chỉ đạt mức trung bình. Bạn tin rằng bạn thiếu khả năng sáng tạo, hoặc trong khả năng học và ghi nhớ. Bạn cảm thấy mình chưa thật sự thân thiện, luôn lo lắng về tiền bạc. Một số người cảm thấy không thể giảm cân, bỏ thuốc hay thích người khác giới.
Việc “thu hẹp bản thân” này cũng giống như những chiếc phanh kìm hãm tiềm năng và tạo ra hai kẻ thù lớn nhất cho sự thành công: sự hoài nghi và sợ hãi. Chúng làm bạn ngại đón nhận sự mạo hiểm có tính thử thách, vốn rất cần thiết để bạn thể hiện đúng năng lực của mình. Vì vậy, bạn cần phải kiên quyết loại bỏ bất kỳ suy nghĩ hay ý kiến “thu hẹp” nào và trong mọi trường hợp, hãy tin rằng những gì người khác làm được thì bạn cũng làm được.
Sự thật là không ai tài giỏi hơn hay thông minh hơn bạn. Nếu có, phần lớn đó là những người biết cách phát triển khả năng và tài năng thiên bẩm của mình nhiều hơn bạn mà thôi. Họ đã tìm hiểu Quy luật Nhân quả và sớm áp dụng vào cuộc sống cũng như công việc. Trong phạm vi nhất định, bạn cũng có thể làm được bất kỳ điều gì mà những người đó đã làm, chỉ cần bạn có lòng nhiệt thành và sự ham học hỏi.
Nhưng dù bạn tin vào điều gì, nếu niềm tin đó mãnh liệt, nó sẽ trở thành hiện thực. Thậm chí, nếu niềm tin của bạn là sai, nhưng nếu bạn tin tưởng vào những điều đó thì chúng cũng có thể trở thành hiện thực.
Đa số niềm tin tự giới hạn của bạn hoàn toàn không đúng. Chúng dựa trên cơ sở thông tin bị động mà bạn đã tin và chấp nhận như là sự thật. Và khi bạn chấp nhận, niềm tin của bạn sẽ biến nó trở thành hiện thực. Giống như Henry Ford đã nói: Dù bạn tin rằng bạn có thể, hoặc bạn tin bằng bạn không thể, thì bạn vẫn luôn đúng”. 

Còn bây giờ chúng ta cùng bàn về “trách nhiệm bản thân”

Bạn bị điểm thấp trong lớp, bạn đổ lỗi cho giáo viên dạy dở
Bạn đi làm trễ, bạn đổ lỗi là do kẹt xe
Bạn không đạt chỉ tiêu trong công việc, bạn đổ lỗi do không có cơ hội
Bạn bị công an phạt vì tội vượt đèn đỏ bạn nói là do có công chuyện bận
Những việc như đổ lỗi, tạo lý do là những biểu hiện của hiện tượng phổ biến trong con người: không có khả năng chịu trách nhiệm cho bản thân.

1. Chịu trách nhiệm cho bản thân là gì và lợi ích của việc này?

Để làm rõ từng khía cạnh của việc chịu trách nhiệm bản thân, trước hết chúng ta phải phân tích việc không muốn chịu trách nhiệm bản thân.
Trong mỗi người luôn có cái tôi. Ai cũng muốn mình là người quan trọng và phải được tôn trọng. Từ đó chúng ta hình tượng hóa bản thân của chính mình. Chính việc tự đề cao bản thân đã dẫn đến việc chối bỏ trách nhiệm và khiến con người chúng ta bị lệch lạc và không thể nhận lấy lỗi lầm của chính mình. Chúng ta cảm thấy thật khó chịu khi phải nhận lỗi về phía mình. Để cho bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, chúng ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Suy nghĩ của chúng ta quá chủ quan và không suy xét được mọi khía cạnh của vấn đề. Và từ đó chúng ta luôn sợ hãi trước việc chịu trách nhiệm cho bản thân.
Nỗi sợ hãi là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất khả năng chịu trách nhiệm cho bản thân. Những người không dám chịu trách nhiệm cho bản thân thường hay cho rằng nếu mình đồng ý nhận lỗi về phía mình thì bản thân sẽ tỏ ra yếu kém, bất lực và đánh mất sự tôn trọng từ người khác. Họ nghĩ rằng giá trị bản thân sẽ bị hạ thấp.
Tuy nhiên, hoàn toàn ngược lại, có khả năng chịu trách nhiệm cho bản thân sẽ cho bạn cơ hội hoàn thiện bản thân rất lớn. Con người chúng ta không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta đều ít nhất một lần trong đời mắc sai lầm. Khi chúng ta đã có thể tự chịu trách nhiệm cho bản thân, chúng ta đã nhìn thấy được điểm yếu trong con người của chính mình và từ đó có thể cải thiện bản thân. Trách nhiệm bản thân chính là thước đo giá trị, lòng dũng cảm và sức mạnh của bản thân. Chính việc tự chịu bản thân sẽ giúp bạn cải thiện và hoàn thiện bản thân và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Giữa một người thường hay đổ lỗi cho kẻ khác và một người luôn chịu trách nhiệm cho lời nói và hành động của chính mình và không thích đổ lỗi, sự tôn trọng của bạn sẽ nghiêng về ai? Ý thức được trách nhiệm bản thân cũng chính là lúc bạn đã thật sự trưởng thành.

Ý thức trách nhiệm – Không đổ lỗi

2. Tác hại của việc thiếu ý thức trách nhiệm cho bản thân

Khi bạn thiếu đi trách nhiệm cho bản thân thì tất nhiên bạn sẽ phải chịu hậu quả cho hành động của bạn trong một thời gian dài.
Hậu quả đau đớn nhất là bạn sẽ không thể nào có được một mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Mâu thuẫn sẽ càng nảy sinh với mọi người xung quanh. Lòng ghen ghét, đố kị trong lòng bạn lớn lên dần dần. Chính vì bạn đặt bản thân của mình lên trên hết tất cả mọi người, những người xung quanh đều bé nhỏ trong mắt của bạn và bạn trở thành một con người không biết bao dung và khoan nhượng. Thái độ này sẽ biến bạn thành nỗi khó chịu trong mắt của người khác. Mối quan hệ của bạn sẽ còn tồi tệ dài dài nếu bạn không nhận ra được điều này.
Nếu bạn không chịu trách nhiệm cho bản thân, bạn sẽ chỉ sống trong nỗi lo sợ của chính mình. Bạn sẽ đặt dấu hỏi cho năng lục thật sự của mình và sự tự tin, niềm tin sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Và chuyện gì đến cũng phải đến. Bạn cần một cái gì đó bám lấy không để cho giá trị của mình bị tụt xuống. Bạn biện hộ cho từng lời nói, cử chỉ và hành động của mình. Dần dần suy nghĩ của bạn sẽ quen dần với việc không chịu trách nhiệm đối với bản thân. Thái độ này sẽ trở thành một phần khó sửa trong tính cách của bạn.
Không chịu trách nhiệm của bản thân sẽ làm gián đoạn quá trình trưởng thành của bạn. Bạn sẽ trở thành một kẻ hay bỏ cuộc, dựa dẫm vào người khác, phá bỉnh và không bao giờ có được hy vọng hay sống một cuộc sống nhạnh phúc đúng nghĩa. Và việc tự hoàn thiện bản thân sẽ không bao giờ xảy ra với thái độ thiếu trách nhiệm bản thân.

3. Đâu là nguyên nhân gây ra việc thiếu ý thức trách nhiệm đối với bản thân?

Mất đi khả năng chịu trách nhiệm bản thân xuất phát từ ý thức của mỗi người. Có 3 cách suy nghĩ dẫn đến việc không còn khả năng nhận biết được trách nhiệm của bản thân mình:
Nỗi sợ hãi: một số người từ nhỏ đã bị những tổn thương không thể nào bù đắp được. Có thể họ bị đánh đập, chửi mắng không thương tiếc. Còn có người thị từ nhỏ sống trong một xã hội đầy bất công. Có thể họ được sinh ra ở trong những gia đình nghèo khổ. Cũng có người bị thiếu thốn tình cảm từ nhỏ. Họ thiếu đi sự quan tâm chăm sóc từ cha mẹ. Dần đến họ lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm từ mọi người. Những môi trường sống như thế này sẽ khiến chúng ta đánh mất niềm tin và giá trị của bản thân mình.
Sự hống hách: Trong bản tính của chúng ta luôn đi kèm sự hống hách. Vấn đề chỉ là có một số người không chế được bản ngã này và một số người không kiềm chế được. Cá tính này có thể là do di truyền. Một số người thì tự tin thái quá dẫn đến họ luôn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ và luôn luôn cho rằng không bao giờ mình phạm sai lầm. Còn một số thành phần khác thì luôn luôn tỏ ra thiếu tự tin và yếu đuối. Họ phải chà đạp người khác để che lấp những điểm yếu đó.
Định kiến: Những người từng bị phân biệt đối xử thường luôn sống trong sự đề phòng đối với thế giới bên ngoài. Họ không thể nào tìm kiếm được sự công nhận từ người khác và có cảm giác như mọi người đang cố tình ngăn chặn sự tiến bộ của họ. Chính tâm lý này dìm chết sự tự tin trong suy nghĩ và khiến họ không thể nào chịu trách nhiệm cho bản thân mình.

Bạn không thể thoát khỏi trách nhiệm ngày mai nếu cứ lẫn trốn nó hôm nay

4. Làm thế nào để chịu trách nhiệm bản thân

Nếu bạn đã từng một lần nhận lỗi thì hãy suy nghị về khoảng thời gian đó? Điều đó có thật sự khó khăn như bạn nghĩ không? Thay vào đó, bạn có thấy lợi ích của việc làm này không? Với việc chấp nhận bạn có một số vấn đề cần cải thiện là bạn đã tiến bộ trong việc tự hoàn thiện bản thân. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của bạn thật tốt đẹp.
Tự ý thức bản thân rằng đỗ lỗi cho người khác là điều không thể. Hãy thật sự công bằng trong đánh giá của chính mình.
Hãy nghĩ rằng phạm sai lầm giống như là một phần trong cuộc sống. Cũng giống như bạn không thể không ăn cơm hay uống nước. Sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại là người thất bại, thất bại chưa đủ. Bạn sẽ không đánh mất sự tôn trọng từ mọi người. Ngược lại giá trị của bạn cũng được tăng lên vì bạn đã dám thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình.
Nâng cao lòng tự trọng của bản thân mình. Khi bạn đã có được niềm tin vào bản thân thì bạn đã nhận ra được giá trị thật của chính mình. Vì vậy, bạn không cần phải biến mình thành một ai đó khác. Hãy là chính mình.
Tự tin vào chính mình. Khi bạn đã trở nên tự tin, bạn sẽ không cần phải biện hộ khi phạm sai lầm. Dần dần bạn sẽ có thể nhận ra được hành động của chính mình và chịu trách nhiệm cho hành động ấy.
Hãy mở lòng với tất cả mọi người. Luôn luôn ghi nhớ quy luật cho và nhận. Hãy cảm nhận được sự cảm thông và lòng thương người. Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc hình tượng hóa bản thân.
Xua tan đi nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi sẽ khiến chúng ta không làm chủ được hành động của chính mình và thường hay dựa dẫm vào đánh giá và cảm xúc của người khác.
Đừng nghĩ mình là nạn nhân vì như vậy sẽ làm cho chúng ta không nhận ra được lỗi lầm của mình. Học cách là một người chiến thắng, nghĩa là phải làm chủ được hành vi và cảm xúc của chính bản thân mình.
Gắn liền khía cạnh tâm linh với cuộc sống của mình. Dù là đạo chúa hay đạo phật cũng đều dạy cho người làm việc thiện, trách làm điều ác, gạt bỏ cái tôi và trở nên thánh thiện hơn.



Đừng bao giờ để bị mắc kẹt trong sự nghi ngờ. Tin hoặc không tin sẽ tốt hơn. Sự nghi ngờ luôn tạo ra rất nhiều vấn đề không có lời giải ...

Quan sát những người bị stress triền miên, ta dễ nhận thấy, cuộc sống của họ có quá nhiều vấn đề. Cho dù có nỗ lực bao nhiêu thì họ cũng chẳng thể giải quyết hết, như một câu ngạn ngữ đã nói "Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề".
Nhưng nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn, thì cuộc sống thực tế, không có nhiều vấn đề như thế. Chính cách nhìn sự việc tiêu cực đã tạo thêm nhiều vấn đề. Tôi xin chia sẻ các suy nghĩ, có thể giúp ta, không vô tình tạo thêm vấn đề cho cuộc sống, để tâm trí ta thanh thản, cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

- Không nên coi những chuyện, không phụ thuộc vào bản thân mình, là vấn đề. Liệu bạn có thể làm gì với thiên tai, với động đất sóng thần? Trước đây, tôi mỗi lần đi máy bay tôi thường rất lo lắng. Khi máy bay bị lắc do thời tiết xấu là tôi sợ toát mồ hôi. Nhưng sau khi ngộ ra, đã bước lên máy bay thì chuyện sống chết không còn phụ thuộc vào mình nữa, tôi có thể ngủ ngon ngay cả khi máy bay gặp thời tiết xấu nhất. Chuyện gia đình, xã hội cũng vậy. Có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm với của ta. Đừng để bị cuốn vào những chuyện không phụ thuộc vào mình. Hãy dành tâm trí, tập trung giải quyết những vấn đề, mà ta có ảnh hưởng trực tiếp.
- Không nên coi những chuyện mang tính quy luật là vấn đề. Nếu bạn 18 tuổi và mặt đầy trứng cá thì đừng quá lo lắng. Qua một vài năm, trứng cá sẽ tự biến đi. Bản thân tôi, lần đầu bị gai cột sống, tôi rất lo. Nhưng khi được bác sĩ cho biết, ngoài 50 tuổi, cột sống bị vôi hoá là chuyện bình thường, tôi lại thấy bình tâm. Tuổi già và bệnh tật sẽ đến là lẽ đương nhiên. Con cái sẽ lớn và ngày càng xa chúng ta hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Đó là quy luật của cuộc sống. Thay vì buồn rầu thì chúng ta nên vui vẻ vì dù con cái đã tự lập, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn còn nhớ đến bố mẹ.
- Không nên coi những chuyện vặt là vấn đề. Cảm cúm thì ai mà tránh được, nhưng vài hôm sẽ tự khỏi. Đừng chuyện bé xé ra to. Trẻ con hàng xóm đánh nhau là chuyện của trẻ con. Nếu phụ huynh để chúng tự giải quyết, mấy bữa chúng sẽ làm lành, lại chơi với nhau. Nhưng nếu một phụ huynh coi đây là vấn đề, trầm trọng hoá nó, rồi kéo hai gia đình vào cuộc tranh luận đúng sai tốt xấu, thì hậu quả như thế nào không ai lường trước được.
- Đừng bao giờ để bị mắc kẹt trong sự nghi ngờ. Tin hoặc không tin sẽ tốt hơn. Sự nghi ngờ luôn tạo ra rất nhiều vấn đề không có lời giải.
- Không nên vơ các vấn đề của người khác, thành vấn đề của mình. Nếu các vấn đề của sếp, của nhân viên, của họ hàng, của vợ con ... đều trở thành vấn đề của bạn, thì sớm muộn bạn cũng sẽ chết chìm. Hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề của mình.

Sau khi áp dụng cách tiếp cận này, tôi thấy 90% các vấn đề trước đây tự nhiên biến mất. 10% vấn đề còn lại, mà ta thực sự phải đối mặt và giải quyết, là không quá nhiều. Chừng đó không đủ làm bạn bị stress. Vả lại, cuộc sống cũng cần có vấn đề, vì nếu hoàn toàn không có vấn đề gì nữa nó sẽ hết sức nhàm chán!

 

Bên cạnh đó, cuộc sống phức tạp, không có nghĩa là bạn phải sống phức tạp theo nó. Hãy tự tạo cho mình những điều khiến cuộc sống của bạn đơn giản. Dưi đây là một số chia sẻ về những cách có thể giúp bạn "đơn giản hóa cuộc sống".


1. Sống thật với cảm xúc. Nếu cứ phải đeo một lớp "mặt nạ", bạn sẽ luôn cảm thấy nặng nề và mệt mỏi. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi bạn có thể bày tỏ những cảm xúc rất đỗi giản dị như: vui thì cười, buồn thì khóc.

2. Là chính mình dù bạn thành công hay thất bại.

3. Chân thành với những người xung quanh.

4. Tận hưởng những hạnh phúc bình dị. Cứ mải mê với công việc mà không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến bạn "nổ tung" đầu óc. Hãy dành thời gian để nhâm nhi một ly café trong một buổi sáng êm đềm, đi dạo, hàn huyên cùng bạn bè... Điều này sẽ giúp tinh thần bạn thư thái hơn.

5. Không cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, vì thực tế là bạn không thể làm được điều đó.

6. Sức khỏe chính là cuộc sống của bạn. Hãy chăm sóc và bảo vệ nó.

7. Đừng dành thời gian cho sự đố kỵ vì nó không mang lại niềm vui cho bạn. Càng so sánh bạn sẽ chỉ càng nhận sự thua thiệt về bản thân.

8. Quẳng vào sọt rác những thứ làm cho bạn thấy đau lòng.

9. Giải tỏa phiền muộn bằng những niềm vui do bạn tự tạo ra: vui chơi cùng bạn bè, lắc lư theo điệu nhạc, hát hò ầm ĩ...

10. Học cách quản lý thời gian. Mỗi người chỉ có 24 tiếng mỗi ngày nhưng có người biết tận dụng để làm được rất nhiều việc mà vẫn vui vẻ, trong khi một số khác thì luôn có cảm giác "quá tải".

11. Nói lời yêu thương với những người mà bạn yêu quý.

12. Thỉnh thoảng nên "đổi gió" bằng những chuyến du lịch.

13. Học cách "bày vẽ" một vài món ăn để tự thưởng cho bản thân khi cần thiết.

14. Từ bỏ một thứ gì đó, nếu nó khiến bạn phát chán.

15. Mở rộng các mối quan hệ, kết bạn với nhiều người để thấy thế giới thật thú vị. John Lennon từng nói: "Hãy đếm tuổi của bạn bằng số bạn bè chứ không phải số năm. Hãy đếm cuộc đời bạn bằng nụ cười chứ không phải bằng nước mắt".

16. Đừng tốn thời gian để than phiền về những thứ bạn không bao giờ có.

17. Thỉnh thoảng hãy tổng kết lại những thứ bạn đã làm được. Nó sẽ khiến bạn ngạc nhiên về khả năng của bản thân.

18. Gặp "chướng ngại vật" thì đi chậm lại chứ đừng quay đầu. Hãy luôn nhắc mình: "Tôi là một người đi chậm, nhưng không bao giờ đi lùi" (A.Braham Lincoln).

19. Đặt thứ tự ưu tiên cho những việc cần làm và cố gắng thực hiện theo trình tự đó.



Hình ảnh ông Thọ với đầu hình hồ lô, gương mặt mỉm cười, tay cầm gậy trượng, đã trở nên quen thuộc trong văn hóa người phương Đông. Vì sao ông Thọ lại có hình dạng khác thường với cái đầu hồ lô như vậy. Dưới đây là câu chuyện cổ kể lại nguồn gốc của điều này.

Hình ảnh ông Thọ, biểu tượng cho sự trường thọ và cát tường, rất gần gũi trong văn hóa người phương Đông.
Nguyên Thủy Thiên Tôn có 12 đại đệ tử, trong đó Lão Thọ Tinh (ông Thọ), cũng chính là Nam Cực Tiên Ông, là đại đệ tử đứng đầu. Lúc đầu, khi Lão Thọ Tinh theo Sư phụ Nguyên Thủy Thiên Tôn tu Đạo, vô cùng thành tâm chịu khó, lại cộng thêm căn cơ rất tốt, vậy nên tâm tính và công năng trong Đạo Pháp đều đề cao rất nhanh, rất được sư phụ tán dương và coi trọng.
Mấy năm sau, việc tu Đạo đều đã đạt đến một trình độ khá tốt, Nguyên Thủy Thiên Tôn vì có thể thu nhận được đồ đệ tốt như vậy mà cảm thấy rất đỗi vui mừng. Ông rất muốn dẫn người đệ tử đắc ý của mình đến bái kiến Sư phụ Hồng Quân Lão Tổ, muốn nhận được đánh giá cao từ sư phụ.
Một ngày kia, Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với đại đồ đệ rằng: “Hôm nay ta dẫn con đi bái kiến Sư gia của con, ông ấy mà nhìn thấy con nhất định sẽ rất vui, rất vừa ý”.
Đại đệ tử cũng rất vui mừng, bước lên mây ngũ sắc cùng sư phụ, chớp mắt đã đến tiên sơn nơi Hồng Quân Lão Tổ cư ngụ. Ngước mắt nhìn thì chỉ thấy toàn bộ núi tiên giăng đầy mây ngũ sắc và hàng ngàn luồng khí tốt lành, đến gần liền ngửi thấy mùi hương lạ thường, thấm vào tận bên trong thân thể, khiến người ta cảm thấy thật là thoải mái dễ chịu.
Nguyên Thủy Thiên Tôn cung kính dẫn theo đồ đệ đi vào động phủ, phủ phục dưới đất bái kiến sư tôn. Hồng Quân Lão Tổ đang nhắm mắt dưỡng thần, từ sớm đã biết được ý của đồ đệ đến đây, nhưng vẫn nhắm mắt không mở, như đi vào cõi khác.
Nguyên Thủy Thiên Tôn nhẹ nhàng nói: “Con đã dẫn theo đại đồ tôn của Người đến đây, lão nhân gia, người hãy xem xem rằng y tu được thế nào, xin người hãy chỉ điểm, giáo huấn thêm đôi điều”.
Hồng Quân Lão Tổ vẫn không mở mắt, chỉ điềm đạm nói rằng: “Đồ đệ con dạy thì ắt không có sai sót gì rồi, không cần phải xem nữa”.
Nguyên Thủy Thiên Tôn có chút thất vọng, nhưng vẫn không can tâm, tiếp tục thỉnh cầu: “Sư tôn, cảm phiền người hãy mở mắt xem xem đồ tôn của người, y thật sự rất xuất sắc đó”.
Hồng Quân Lão Tổ ngụ ý sâu xa nói rằng: “Ài! Không phải là ta không muốn xem, là sợ rằng y sẽ không chịu được, nhưng con lại nhất quyết muốn ta xem, vậy thì hãy xem thử vậy”.
Nói xong, Lão Tổ hiền từ mà khẽ mở Huệ Nhãn, phóng ra vạn tia ánh sáng, không ngờ chính ngay trong nháy mắt này, còn chưa đợi Lão Tổ nhìn rõ gương mặt của đồ tôn, thì đỉnh đầu của đồ tôn đã hóa thành vũng máu. Hồng Quân Lão Tổ vội vàng nhắm hai mắt lại, tiếc nuối nói rằng: “Ta bảo là không thể xem, không thể xem, nhưng con lại cứ không tin …”
Nguyên Thủy Thiên Tôn nhất thời quá sợ hãi, không biết làm sao mới ổn …
Hồng Quân Lão Tổ không nói tiếp nữa, lập tức bấm tay niệm chú, vận dụng thần thông lấy một vật gần nhất, trong nháy mắt liền chụp trên đỉnh đầu của đồ tôn, máu loãng lại theo đó chảy vào trong đầu.http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg
Nguyên Thủy Thiên Tôn lại gần xem thử, đầu của đại đồ đệ đã bị đổi thành một cái đầu hồ lô. Ông biết rằng, đây cũng là biện pháp mà sư phụ nghĩ ra để ứng phó với sự việc vô cùng cấp bách này. Nhìn lại đại đồ đệ, tuy giờ là một ông già lụm khụm, râu bạc trắng, nhưng cũng ngây thơ dễ mến.
Từ đó về sau, đại đồ đệ của Nguyên Thủy Thiên Tôn diện mạo hoàn toàn thay đổi, ông đã biến thành Lão Thọ Tinh, là một trong số Phúc, Lộc, Thọ – Tam Tinh với thân đeo hồ lô, tay cầm gậy trượng, đầu hồ lô gương mặt mỉm cười mà chúng ta đều biết đến.http://tinhhoa.net/wpcontent/uploads/2014/08/BcKCN8.jpg.
Câu chuyện cổ của Đạo gia này cũng hàm chứa đạo lý sâu xa của người tu luyện, đó chính là tầng thứ của một người tu luyện được quyết định bởi tự thân họ và quá trình tu luyện, theo đó thiết lập vị trí của chính mình. Nếu không đạt đến tầng thứ đó, thì dẫu cho có cố đi được đến nơi đó, hay được chính Sư phụ đưa lên vị trí đó, thì họ cũng không thể lưu lại lâu mà mau chóng rớt xuống, thậm chí còn hại đến bản thân. Chính là giống như một đứa trẻ học lớp mẫu giáo mà được ngồi trong lớp học của trường đại học vậy, bản thân không những cái gì cũng không học được, mà còn sẽ mang đến phiền phức cho những người khác.




A là Mạo hiểm (Adventure), B là Dũng cảm (Bravery), nhưng một cuộc sống giàu có chỉ thực sự đến với bạn qua chữ C, Lựa chọn (Choice), vì chính bạn quyết định điều đó thành hiện thực hay không. Hướng dẫn từ A đến Z này là một hành trình đầy hiểm trở khám phá bảng chữ cái. Nó không dành cho những kẻ yếu tim nhút nhát, hay những kẻ hám tiền nông cạn chỉ biết lảm nhảm giáo điều. Thay vào đó, nó dành cho những người muốn làm một điều gì khác biệt cho cuộc sống của họ. Nếu điều này đúng với bạn, bạn chọn đúng nơi rồi đó. Vậy hãy thắt đai an toàn và bắt đầu nào. Chúng ta còn cả một chặng đường dài phía trước.

A là Mạo hiểm (Adventure)

Cuộc đời là một cuộc phiêu lưu. Hay, chính xác hơn, cuộc phiêu lưu của bạn. Nhưng tôi sẽ đi đâu chứ? Tôi vừa nghe bạn hỏi. Cái mà bạn đang muốn hỏi là bản đồ chứ gì. Không may là, không có bản đồ kiểu mẫu chung cho tất cả. Mỗi chúng ta đều mang một tấm bản đồ của cá nhân mình về nơi ta muốn đến, điều ta muốn làm. Bạn nên nhìn sâu vào bên trong bản thân và tự hỏi:
o    Tôi muốn đi đâu?
o    Vì sao tôi muốn đến đó?
o    Có gì trong chuyến đi này khiến tôi thích thú và thấy mình đầy sức sống ?
o     
o    Nếu bạn đã cảm thấy nôn nao rồi, thì lên đường thôi. Còn nếu không, hãy thử những lựa chọn khác xem. Bạn đi một mình hay với bạn đồng hành cũng không quan trọng lắm, miễn là bạn vẫn đang tiến về phía trước trên cuộc hành trình. Những chuyến phiêu lưu mới đem đến nhiều kinh nghiệm mới. Chẳng có cuộc phiêu lưu nào dở cả. Hãy nhớ, cuộc phiêu lưu bắt đầu khi bạn rời khỏi ngôi làng quen thuộc. Nếu bạn bị mắc kẹt ở đâu đó, đừng tuyệt vọng. Hãy nhớ đoạn đối thoại trong Alice ở xứ sở thần tiên: “Làm ơn hãy chỉ cho tôi biết tôi nên đi về hướng nào từ chỗ này?' 'Điều đó còn phụ thuộc vào việc bạn muốn đi đâu.' 'Tôi không màng đến điều đó' 'Vậy thì đi đường nào chăng nữa cũng vậy thôi' - Lewis Carrol,  Alice ở xứ sở thần tiên Điều gì còn khiến bạn chần chừ chưa bước vào cuộc phiêu lưu. Có lẽ chữ B sẽ giúp bạn phần nào chăng.

B là Dũng cảm (Bravery)

Đây là một lời hứa: bạn sẽ phải đối diện với chướng ngại, thử thách, và những người muốn hãm hại bạn. Hãy sẵn sàng cho điều này. Họ không muốn bạn bước vào cuộc phiêu lưu của bạn vì họ không hạnh phúc với cuộc phiêu lưu của chính họ. Bạn có thể an toàn mà làm ngơ với những loại người này. Hãy học cách đứng lên bảo vệ cho bản thân bạn và nhiệm vụ của bạn mà không một phút do dự. Đây là cuộc phiêu lưu của riêng bạn, nhớ chứ? Đừng để ai tước mất nó khỏi bạn. Hãy dũng cảm sống một cuộc sống thành thức nhất với chính mình. Dám dũng cảm: bạn đâu có gì để sợ. Nếu bạn đang tìm một lời khích lệ, hãy tìm sự đồng cảm trong những lời này: “Hãy là chính bạn, mọi người khác đều đã được lấy cả rồi.” ― Oscar Wilde

C cho Lựa chọn  (Choice)

Đúng thế, đây là chữ cái quan trọng nhất trong bảng chữ cái. Nó quyết định liệu bạn sẽ sống một cuộc đời thú vị và có ý nghĩa hay một kiếp sống tầm thường tẻ nhạt chán ngắt. Chung quy cũng quay về lựa chọn. Trong mọi khoảnh khoắc, bạn đều có quyền chọn lựa sẽ ứng xử thế nào. Không ai nói về giá trị của sự lựa chọn hay hơn nhà văn, người sống sót khỏi Đại diệt chủng Viktor E Frankl: “Người ta có thể lấy đi mọi thứ của con người trừ một điều - tự do - để chọn lựa thái độ trong mọi tình huống gặp phải, để chọn cách của riêng họ.” Đúng vậy, bạn luôn luôn có quyền lựa chọn. Nếu bạn không thể thay đổi một tình huống, bạn vẫn luôn có thể thay đổi chính mình. Vẫn biết nó không dễ dàng, nhưng có thể làm được, nhờ sự trợ giúp từ chữ D.

D là Kỷ luật (Discipline)

Thực hiện một quyết định không phải điều dễ dàng. Chần chừ và ngờ vực quá dễ dàng khiến bạn mất tập trung. Nhưng đó là lý do bạn cần sự kỷ luật. Không, ý tôi không phải là kỷ luật thép trong quân đội đâu. Quá bạo lực và đáng sợ. Tôi đang nói về kỷ luật cá nhân mà nghệ sĩ, vận động viên, nhà khoa học phải có để tập trung vào công việc cần làm. Đó là sức mạnh tinh thần. Đó là sự bền bỉ. Nó sẽ giúp bạn tự đặt ra lời hứa về một mục tiêu và giữ lời hứa ấy. Thật vậy, kỷ luật thật khó khi bạn phải đối đầu với chính mình. Bạn là kẻ thù ghê gớm nhất của chính bạn. Đừng để sự vật lộn với chính mình này làm bạn sa lầy. Chỉ với một ít kỷ luật, bạn sẽ dọn đường cho cuộc phiêu lưu của mình. Nghe không có vẻ hấp dẫn lắm, nhưng nó công hiệu đấy. Hãy nghĩ thế này : “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành quả.” ― Jim Rohn Tất nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một khoảng trống giữa điều bạn biết và điều bạn cần phải biết. Đó là lúc chữ E xuất hiện như một vị cứu tinh.

E là Học tập (Education)

Một cuộc sống giàu có được tạo nên bởi việc học. Khi bạn ngừng học, nghĩa là bạn cũng ngừng sống. Luôn luôn có cách để học hỏi thêm về thế giới, về con người, động vật xung quanh. Nếu bạn có hoài bão, bạn có cả một vũ trụ để khám phá. Nhưng hôm nay chúng ta không bàn thêm về vấn đề này. Nó làm đầu óc tôi quay cuồng. Dù sao, hãy đọc nhiều sách, nghe nhiều nhạc, xem nhiều phim hơn. Trò chuyện với người khác và học tập từ họ. Hãy không ngừng khám phá. “Học tập không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà là một phần của nó - một nghệ thuật vĩnh cửu.” ― Henry Ford Nếu việc học hành của bạn cũng giống tôi, nghĩa là bạn cũng từng trải qua sự sợ hãi và nghi hoặc bản thân, điều này mang chúng ta đến với chữ F đáng sợ.

F là Sợ hãi (Fear)

Sợ thất bại. Sợ thành công. Sợ mình trông ngớ ngẩn. Bạn không thể trốn thoát nỗi sợ, nhưng ít ra, không phải chỉ mình bạn có nó. Vậy, phải là gì? Hãy cố gắng làm bạn với nỗi sợ. Hãy mời nó đến ăn tối, uống rượu, nhưng hãy bỏ qua trò chuyện xã giao (chuyện này là nghề của nó). Thay vào đó hãy làm một điều không ngờ, hành động mặc kệ nỗi sợ của bạn. Và nhìn kìa, nó lủi mất từ lúc nào rồi ấy! “Chúng ta được dạy để sợ hãi, và chúng ta có thể, nếu chúng ta muốn, được dạy để không sợ hãi nữa” ― Karl Augustus Menninger Hãy nhớ, khi đối diện với nỗi sợ, bạn thay đổi đường đi của mình. Và khi đó bạn cũng thay đổi chính bạn.

G là Rộng lượng (Generosity)

Bạn có muốn biết bí mật của một cuộc sống giàu có không? Ghé sát lại, tôi nói thầm cho nghe: Sự Rộng lượng. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng hãy xem câu nói này: “Có một người bị gọi là điên. Anh ta cho đi càng nhiều, anh ta càng có nhiều hơn.” ― John Bunyan Để vài phút cho nó ngấm nào. Rồi hãy trả lời câu này: bạn có sợ phải cho đi quá nhiều không? Rất nhiều người sợ điều đó. Họ sống cuộc đời mình theo một khuôn mẫu: họ tin là không bao giờ có đủ cho tất cả mọi người. Họ sợ chia sẻ (chứ đừng nói là cho đi!) bởi điều đó nghĩa là phần còn lại dành cho họ sẽ bị ít đi. Ngắn gọn là họ có lối tư duy bảo thủ. Họ nghĩ: nếu tôi thắng, bạn thua. Trong cuốn Enchanment của mình, Guy Kawasaki gọi những người này là những kẻ phàm ăn. Họ làm mọi thứ để ăn xong phần bánh của mình trước mọi người. Lối tư duy này thật nặng nề và thật phiền phức nếu bạn cứ mang theo. Nó khiến bạn thấy bồn chồn và bực mình. Giữ nó, và bạn sẽ gánh mọi hậu quả. May mắn là còn một lựa chọn khác. Kawasaki gọi những người này là thợ làm bánh. Họ muốn tạo ra một chiếc bánh to hơn. Lối tư duy linh hoạt của họ thay đổi đáng kể cách sống của họ. Họ sống theo một hình mẫu khác: họ tin là có đủ cho tất cả mọi người. Bạn còn chần chừ gì mà không nghĩ như vậy? Mẹo: hãy đọc Mindset của Carol S Dweck, nhà tâm lý học của Đại học Stanford để có một giải thích cặn kẽ hơn về sự khác biệt của hai kiểu tư duy này. Bạn sẽ không thất vọng đâu. Cuối cùng là: hãy cẩn thận khi lựa chọn nếp nghĩ vì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

H là Sức khỏe (Health)

Cơ thể bạn là đền thánh thiêng liêng, và bạn sẽ muốn tôn trọng nó. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vậy, hãy ăn đủ. Ngủ ngon. Thường xuyên tập thể dục. Gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Bạn không có lý do gì để bỏ bê sức khỏe của mình cả. “Giữ thể lực tốt là một trách nhiệm...Nếu không bạn sẽ chẳng bao giờ phát huy được trí lực mạnh mẽ cả.” ― Đức Phật Hãy nhớ: sức khỏe là dấu hiệu lớn nhất của sự giàu có. Nó cho bạn sống thêm một ngày nữa, một cơ hội nữa. Còn lại thì bạn phải nhờ đến trí tưởng tượng thôi.

I là Trí tưởng tượng (Imagination)

Trí tưởng tượng giúp bạn lên kế hoạch và nhìn cuộc sống của mình đầy sinh động. Nếu không biết, tôi suýt nữa còn gọi nó là phép màu. Hãy dùng trí tưởng tượng để đạt đến thành công hiệu quả hơn. Hãy nhớ dành cả lý trí tỉnh táo nữa.  Trí tưởng tượng chỉ có một nhược điểm duy nhất - không có yếu tố cá nhân của bạn, nó trở thành vô nghĩa. Cho nên, hãy làm theo trí tưởng tượng, chơi với nó, tận hưởng nó, và luôn sẵn sàng để bị kinh ngạc. Nhưng không cần phải nhớ lời tôi. Đây là lời mà chính Albert Einstein thiên tài đã nói về chuyện này: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức.” ― Albert Einstein Vâng, tôi là ai mà dám không đồng ý với thiên tài chứ? Hãy luôn để trí tưởng tượng rộng mở và đem đến niềm vui cho chính bạn.

J là Niềm vui (Joy)

Đừng quá nghiêm túc. Điều gì làm bạn cười? Hãy làm điều đó nhiều hơn. Niềm vui sẽ dài lâu hơn nếu bạn để nó thấm sâu vào con người bạn. Để nó tràn ngập bạn. Hãy biết ơn vì những niềm vui giản dị của cuộc sống. “Hãy tìm vui trong mọi việc bạn chọn làm. Mọi công việc, mọi mối quan hệ, gia đình,... bạn có trách nhiệm phải yêu nó, hoặc thay đổi nó.” ― Chuck Palahniuk

K là Tử tế (Kindness)

Một cuộc sống giàu có khởi đầu bằng việc nuôi dưỡng lòng tử tế và tình bạn với chính bạn và người khác nữa. Hãy nhớ luôn dũng cảm, mở lòng với người xa lạ, kẻ thù, và những người bạn thấy khó khăn khi tiếp xúc. Nó sẽ tạo ra một khác biệt lớn lao. Mọi người đều mắc sai lầm, nó là một phần của cuộc sống. Đừng buồn phiền làm gì. Hãy học cách tha thứ thay vì nguyền rủa kết án. Khi bạn đang tranh đấu, hãy nhớ câu này: “Phạm lỗi là con người, tha thứ là thần linh.” ― Alexander Pope

L là Yêu thương (Love)

Yêu thương là chất keo gắn kết mọi người chúng ta với nhau. Với một cặp mắt thành thạo, yêu thương có thể xuất hiện ở mọi nơi. Chỉ cần bạn biết cách tìm kiếm. Ai cũng xứng đáng được yêu thương. Ngược lại với yêu thương không phải là thù ghét. Ngược lại với yêu thương là lạnh lùng dửng dưng. Yêu thương nghĩa là quan tâm. Không yêu thì cũng không còn quan tâm nữa. Mọi giác quan của bạn trở nên chai cứng, và bạo lực, bất công sẽ chiến thắng. Chúng ta không thể chịu được điều ấy đâu. Bạn càng yêu nhiều, cuộc sống của bạn càng giàu có. Chỉ đơn giản vậy thôi. “Được yêu nhiều sẽ mang đến cho bạn sức mạnh, còn yêu ai đó nhiều sẽ cho bạn lòng dũng cảm.” ― Lão Tử

M là Lưu tâm (Mindfulness)

Thật khó khăn để dành thời gian với những suy tư, âu lo và cảm xúc của bạn. Bạn thường hoặc chạy trốn nó, hoặc đi lạc trong nó. Sự lưu tâm giúp bạn đồng điệu với tư duy của mình. Đây là một quá trình rất khó nhưng phần thưởng rất xứng đáng, vì bạn sẽ học được cách lắng nghe chính mình. Vậy hãy tranh thủ thời gian. Vội vàng mà vẫn chậm rãi. Ngồi xuống. Nhắm mắt lại. Hít thở. “Nguy hại cơ bản nhất cho chúng ta, nguy hại lớn nhất mà ta có thể làm cho ta, là tự khiến mình dửng dưng vì không có được lòng dũng cảm và sự tôn trọng cần thiết để đối diện với chính mình một cách dịu dàng và thành thực.” ― Pema Chödrön, When Things Fall Apart: Heart Advice for Difficult Times Hãy nhớ: lắng nghe chính mình nhiều hơn. Trời sinh bạn chỉ có một cái miệng, nhưng có tới hai cái tai.

N là Kể chuyện (Narrative)

Ai cũng thích một câu chuyện hay. Nhưng chúng ta hay quên là chúng ta là người kể chuyện: về chúng ta là ai, chúng ta làm gì, chúng ta muốn trở thành người như thế nào. Không phải lúc nào bạn cũng có thể thay đổi những điều xảy đến với mình. Nhưng bạn có thể thay đổi cách bạn kể lại câu chuyện đó. Ngắn gọn là, hãy làm chủ câu chuyện, và kể hay hơn. Hãy hỏi bản thân: Tôi có thể kể cho mình một câu chuyện khác không? Và hãy nhớ câu nói này của Stephen R Covey: “Cách bạn nhìn nhận vấn đề chính là vấn đề.” ― Stephen R. Covey Hãy thay đổi mạch truyện và thay đổi cách bạn nhìn nhận vấn đề. Bạn sẽ biến khó khăn thành cơ hội.

O là Cơ hội  (Opportunity)

Cốc, cốc. Ai gọi đó? Cơ hội đây. Đừng ngớ ngẩn thế chứ - cơ hội không gõ cửa hai lần đâu. Bạn có tận dụng mọi cơ hội đến với mình không?

P là Chuẩn mực (Principles)

Một cuộc sống giàu có luôn tuân theo các chuẩn mực. Hãy xem nó là kim chỉ nam bên trong bạn. Khi bạn cảm thấy lạc lõng và tuyệt vọng, nó sẽ giúp bạn đứng dậy. Chủ động, trung thực, đoàn kết - những chuẩn mực này đứng vững trước thử thách của thời gian vì chúng có hiệu quả. Chúng cũng giúp bạn tận hưởng thành công trọn vẹn mà không cảm thấy tội lỗi vì gian lận. “Thất bại chỉ đến khi chúng ta đã quên mất lý tưởng, mục tiêu, và chuẩn mực đời mình” ― Jawaharlal Nehru

Q là Hỏi (Questioning)

Hãy giữ trí tò mò và đừng bao giờ ngừng hỏi. Một trong những bài thơ nổi tiếng cùa Rudyard Kipling nói về tố chất này rất hay: Tôi có sáu người hầu trung thực (Họ dạy tôi tất cả những gì tôi biết hôm nay). Tên của họ là Cái gì, Tại sao, Khi nào, Như thế nào, Ở đâu, và Ai. Câu hỏi thường gợi mở thêm nhiều câu hỏi, và sau đó là những câu trả lời có ích. Vậy nên, bạn hãy bắt đầu đặt câu hỏi đi.

R là các mối quan hệ (Relationships)

Các mối quan hệ làm giàu cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Gia đình, bạn bè, người yêu giúp đỡ và sát cánh với chúng ta trong mọi công việc hằng ngày. Họ giúp làm cuộc sống thêm thú vị, ý nghĩa, và đáng sống hơn. Thêm các mối quan hệ mới nghĩa là thêm trách nhiệm. Bạn có nhớ lần đầu tiên mình trở thành cha mẹ, ông bà, cô chú? Những vai trò này đem đến những ý nghĩa mới cho cuộc sống của bạn mà trước đó bạn chưa từng biết đến. Không có các mối quan hệ, cuộc sống này là vô ích. Hãy xây dựng các mối quan hệ bền chặt với người khác. Đó là khoản đầu tư tốt nhất. “Tôi học được rằng người ta sẽ quên những điều bạn nói, quên những điều bạn làm, nhưng sẽ không bao giờ quên người ta đã cảm thấy thế nào bên bạn.” ― Maya Angelou

S là Tinh thần (Spirit)

Tinh thần có rất nhiều nghĩa. Bản thân nó có nguồn gốc từ tiếng Latin, từ spiritus nghĩa là 'hơi thở'. Nó hàm ý rằng có một phần của chúng ta còn sống vượt sau cả cái chết. Dù bạn có tin theo tôn giáo hay không, con người đều để lại một di sản sau khi họ qua đời. Chúng ta nhớ đến họ qua những việc họ làm, lời nói và việc tốt. Một phần của họ vẫn ở lại mãi với chúng ta. Di sản họ để lại cho chúng ta chính là điều quan trọng. Bạn muốn để lại di sản gì cho cuộc đời này? “Mọi người đều có một cái bóng, không chỉ là thân thể họ, mà là tinh thần phức tạp của họ. Đó là những muộn phiền của họ. Hãy để họ tự do đi về đâu họ muốn, cái bóng sẽ ngã xuống ngược phía mặt trời, bóng ngắn vào giữa trưa, bóng dài giữa đêm khuya. Bạn có chắc là chưa bao giờ thấy nó không?”  ― Henry David Thoreau Chữ T sẽ giúp bạn xây dựng di sản mà bạn xứng đáng.

T là Dạy dỗ (Teaching)

Dạy dỗ làm giàu cho cuộc sống của chính bạn và người bạn dạy. Khi bạn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình, bạn truyền lại một phần của chính bạn và cho phép hiểu biết được lan xa. Người khác có thể chia sẻ câu chuyện của bạn, và học hỏi từ nó. Dạy dỗ giúp người khác tránh được những sai lầm ngớ ngẩn, gây tổn thất lớn, và đầy đau đớn. Đó là trách nhiệm của bạn, phải trả lại những gì bạn đã được nhận. Như Oscar Wilde đã chỉ ra: “Tôi luôn lan truyền những lời khuyên tốt. Đó là điều duy nhất có thể làm với chúng. Chúng không có ích gì với chỉ một người.”

U là Không chắc chắn (Uncertainty)

Cuộc phiêu lưu của bạn bao giờ cũng là không chắc chắn. Điều đó bình thường thôi, bởi không chắc chắn là một phần của sự hay ho. Hãy đón nhận nó. Đừng bao giờ để nỗi sợ những điều không chắc chắn dồn bạn vào chân tường. Bạn cảm thấy không chắc chằn vì bạn tin là bạn không có điều cần thiết để vượt qua nó. Hãy tưởng tượng thật sinh động chi tiết viễn cảnh tệ hại nhất có thể xảy ra với bạn. Đó là gì? Nhưng đừng ngừng lại ở đó. Bây giờ hãy viết một kế hoạch cũng rõ ràng như thế về cách bạn định thoát khỏi nó. Khi bạn đã làm xong, bạn sẽ nhận ra rằng mình vượt qua được hầu hết mọi thứ. “Những cơn sóng truyền cho tôi cảm hứng vì chúng dâng lên và hạ xuống. Nhưng nhất là bởi vì, mỗi khi sóng hạ xuống, chúng không bao giờ quên dâng lên lại.”

V là Giá trị (Values)

Bạn đại diện cho điều gì? Bạn coi những điều gì là không thể chấp nhận được? Hãy nói cho mọi người biết về giá trị của bạn. Hãy để họ đồng hành với bạn và hướng dẫn bạn làm điều nên làm. “Niềm tin sẽ trở thành suy nghĩ. Suy nghĩ trở thành lời nói. Lời nói trở thành hành động. Hành động trở thành thói quen. Thói quen trở thành giá trị. Giá trị quyết định số phận.” ― Mahatma Gandhi

W là đôi bên cùng chiến thắng (Win-Win)

Rõ ràng là một cuộc sống giàu có không thể đến từ một nếp nghĩ cứng nhắc chỉ có thành hay bại. Hãy luôn nghĩ đến việc người khác có thể đạt được gì từ hành động của bạn. Đây là cái mà Stephen R. Covey đặt tên thật chính xác là tạo ra các tình huống mà đôi bên cùng chiến thắng (win-win situation). Không ai thua cuộc cả. Chỉ có những người thắng mà thôi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quan niệm sống của bạn thế nào? Và quan trọng hơn, nó sẽ thay đổi cách hành xử của bạn thế nào? “Định luật cả hai cùng thắng bảo: Đừng làm điều đó theo cách của tôi hay của bạn. Hãy làm nó theo cách tốt nhất cho cả hai chúng ta.” ― Greg Anderson

X là Xylatomy

Cái gì cơ. À, bạn đang tìm một từ hay ho bắt đầu bằng X. Chúng chẳng có bao nhiêu. Vậy tại sao tôi lại chọn từ này? Bởi vì nó đọc nghe có vẻ hay và tôi muốn tưởng thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của bạn. Bạn đã đi đến tận đây của bảng chữ cái với tôi và ít nhất tôi cũng có thể dạy cho bạn một từ mới. Xylatomy có thể định nghĩa là: “Làm sạch một mảnh gỗ để chuẩn bị quan sát dưới kính hiển vi.” Tôi cá là bạn không biết từ đó. Vậy thì xylatomy liên quan gì đến chuyện có một cuộc sống giàu có? Tôi tin là nó dạy chúng ta biết cách trân trọng niềm vui từ những điều rất nhỏ. Bạn nghĩ thế nào?

Y là Đồng ý (Yes)

Đồng ý là từ yêu thích của tôi. Nó nói với bạn: 'Hãy làm điều này!' và cũng đòi hỏi bạn phải có trách nhiệm với việc mình làm. Một cảnh giác nhỏ thôi: đừng đồng ý với bất cứ điều gì. Tin tôi đi, tôi đã trải qua điều đó rồi. Hãy chỉ đồng ý khi câu trả lời là: 'Tôi không thể không làm thế.' Đừng ngại nói không với những điều còn lại. “Hãy học cách nói 'không' với những điều tốt để có cơ hội nói 'có' với những điều hoàn hảo.”  ― John C. Maxwell

Z là Say mê (Zest)

Hãy chọn cho cuộc sống của bạn một sự say mê! Đừng nói, mà hãy bắt tay vào làm. Hãy đi ra ngoài và làm hết sức mình! Đừng để bị nản lòng bởi những thay đổi. Đây là một phần của cuộc hành trình. Bạn không thể thay đổi nó, nhưng có thể chọn cách phản hồi lại nó. “Hạnh phúc đích thực bắt nguồn từ niềm vui trong những việc bạn làm tốt, trong sự say mê khao khát được tạo ra những điều mới mẻ.” ― Antoine de Saint-Exupery

Hãy bắt đầu cuộc phiêu lưu của bạn ngay hôm nay

Chà, quả là một chuyến đi dài! Có quá nhiều cảm hứng và lời khuyên bạn đã nhận được phải không nào! Tôi hy vọng bạn không bị say xe chứ. Đã đến lúc tháo dây an toàn, bước ra khỏi xe và bắt đầu cuộc hành trình mới của bạn rồi. Nhưng hãy thoải mái. Hãy nhớ sự khôn ngoan của chữ C: Lựa chọn. Hãy chọn cách làm theo bất cứ chữ cái nào ở đây và tôi chắc bạn đang đi đúng hướng để có một cuộc sống giàu có hơn rồi đó. Bạn nghĩ thế nào về một cuộc sống giàu có? Tôi có bỏ lỡ từ nào trong danh sách của bạn không? Hãy chia sẻ những chữ cái của bạn và ý tưởng để có một cuộc sống giàu có vào phần bình luận dưới đây nhé!  

·         Người dịch Nguyễn Thảo
Theo Olle Lindholm
The A to Z Guide to a Rich Life




Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.