11 câu nói nổi tiếng của Trang Tử vẫn còn nguyên giá trị ...
Trang Tử (365 – 290 TCN) là một hiền triết nổi tiếng của phương
Đông. Trang Tử ẩn dật mà khoáng đạt, cao minh mà rất giản dị, chủ trương hòa hợp
tự nhiên, thuận theo vũ trụ, lánh xa thế tục, tự tại tiêu dao. Những câu nói của
ông qua hàng nghìn năm vẫn giữ được chí khí ấy, người đời không ai không thán
phục.
Chí khí của
bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật
mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự
vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời.
Dưới đây là
11 câu nói nổi tiếng của Trang Tử, vẫn còn nguyên giá trị sau nghìn năm,
khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm:
1. Con người sống giữa trời đất, như bóng câu qua cửa sổ, chỉ chốc
lát mà thôi
So với vạn vật,
sinh mệnh đời người chỉ tựa như trong chớp mắt, giống như bóng ngựa phi qua khe
cửa sổ, vẫn chưa kịp cảm nhận thì đã kết thúc rồi. Quả đúng như một câu thơ của
Lý Bạch: “Thềm cao gương soi rầu
tóc bạc. Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết“. Đời người sao mà ngắn
ngủi, kiếp người sao mà thê lương…
Thế nhưng
chính bởi đời người ngắn ngủi nên ta sẽ chẳng còn thời gian mà dằn vặt, mà so
đo tính toán. Bạn phải sống để cho chính mình xem, người khác chỉ là phong cảnh
bên đường mình đi qua, đừng nên chú ý đến lời họ nói, cách họ đối xử với mình.
2. Đời ta thì hữu hạn, mà tri thức thì vô hạn. Lấy cái hữu hạn
mà theo đuổi cái vô hạn thì thật mệt mỏi!
Sinh mệnh
con người là hữu hạn, nhưng tri thức, biển học này thì vô cùng. Nhưng con người
lại rất ham theo đuổi tri thức. Người ta khát tri thức cũng giống như khát
nước vậy, thậm chí còn hơn thế.
Đối với một
vùng đất mà nói, nước ít thì khô hạn nứt nẻ, mà nước nhiều quá thì thành tai họa. Do
đó, truy cầu đối với tri thức cũng như vậy, phải vừa mức thích hợp nếu không muốn
bị chính biển tri thức kia nhấn chìm.
3. Người thế tục đều thích người
ta giống mình, mà ghét người ta khác mình
Ai cũng
thích ý kiến của mình được người khác tán đồng mà ghét việc bị phản đối. Thuốc
tốt thì đắng nhưng khỏi bệnh, lời thật dù khó nghe nhưng được việc. Khi có
người nghi ngờ việc chúng ta làm, hãy học cách nhìn lại chính mình, có sai thì
sửa, không sai thì cố gắng thêm.
4. Đau buồn lớn nhất là nguội
lòng, cái chết vẫn chỉ xếp thứ hai
Nguội lòng tức
là nhụt chí, chai lì vô cảm. Một người không có khả năng tự do suy nghĩ, thì
đáng sợ hơn cả cái chết. Có người chết rồi, nhưng dường như vẫn đang sống
mãi. Có người đang sống, nhưng thực là đã chết rồi.
Nếu chỉ có
cái vỏ da thịt này, không có tư tưởng, người ta sẽ trở thành cái xác biết đi.
Như vậy chẳng phải còn đau buồn hơn là đã chết sao?
5. Không thể nói về
biển với con ếch đáy giếng, không thể bàn về băng tuyết với côn trùng mùa hè
Ếch ngồi đáy
giếng, sống nơi nhỏ hẹp, nhìn vòm trời chỉ như miệng giếng ắt là không biết được
cái mênh mông của biển cả. Côn trùng mùa hè chỉ sống trong vài tháng nắng hạ,
cũng chẳng thể nào hiểu được cái giá lạnh của băng tuyết mùa đông.
Đừng nói đạo
lý với người ngang bướng, đừng tranh luận với những người không cùng một tầng
thứ, bạn chỉ lãng phí thời gian và tinh lực mà thôi.
6. Chó không phải sủa hay mà là
chó tốt, người không phải nói hay mà là người hiền
Nhìn người
không thể nhìn bề ngoài. Cái vỏ ngoài chỉ là giả tướng, lâu ngày tất sẽ hiện
nguyên hình. Đánh giá tình cảm không nên chỉ nhìn qua hành động, khi lâm nạn mới
thấy được chân tình. Trước sau nên nhớ kỹ: Đường xa biết sức ngựa, lâu ngày hiểu
lòng người.
7. Kẻ hay khen người khác trước
mặt họ, cũng hay nói xấu sau lưng họ
Một người
thích xu nịnh, lấy lòng đương nhiên cũng thích nói xấu, gây chuyện thị phi. Bởi
họ cư xử theo cung cách tiểu nhân, gió chiều nào theo chiều ấy. Trong
cuộc sống, có thể bạn sẽ gặp loại người này. Mỗi khi gặp mặt đều hớn hở, tươi
cười, trước mặt có thể tâng bốc bạn lên mây nhưng sau lưng thì điều gì cũng vu
cho bạn, làm vấy bẩn thanh danh của bạn. Kiểu người này chính là “Miệng Nam Mô, bụng bồ dao găm”
vậy.
8. Mưu sự không có chủ kiến ắt khốn đốn, làm việc không có chuẩn
bị ắt sẽ hỏng
Người chần
chừ, thiếu quyết đoán, sẽ mất rất nhiều thời gian, vì thế mà bỏ lỡ thời cơ quan
trọng. Rất nhiều cơ hội chỉ đến một lần trong đời, để tuột mất thì là tuột mất,
không sao vãn hồi nổi nữa. Cơ hội sẽ chỉ giành cho người có chuẩn bị trước.
Cơ hội không
phải may mắn từ trên trời rơi xuống, nó là quan hệ nhân – quả vậy. Nỗ lực hết
mình thì cơ hội sẽ đến.
9. Người chân thành là tột bậc
tinh tế và thành thật; nếu không tinh tế và thành thật thì chẳng thể nào cảm động
được người khác
Cảm hóa người
khác là chuyện không dễ. Đó không chỉ là việc cần đến sự khôn ngoan, cơ trí bề
mặt, nó còn là sự cảm thấu từ trong tâm, sự đồng điệu tận cõi lòng.
Chỉ khi đối
xử với người bằng cõi lòng thành thực, chân thành, trong ngoài như một, lời nói
và hành động nhất quán thì mới cảm hóa, lay động được người khác.
10. Người quân tử kết giao nhạt
như nước, kẻ tiểu nhân kết giao ngọt như rượu nếp
Tình bạn
chân chính giữa những người quân tử luôn luôn bình lặng và nhàn nhạt như nước vậy,
không quá mặn mà nhưng không thể thiếu trong đời. Giao tiếp qua lại giữa những
kẻ tiểu nhân lại thường kèm theo rượu chè phè phỡn, làm con người suy đồi, mất
đi sự thanh tỉnh. Kết giao giữa những người bạn thực thụ không phải là chuyện
hưởng lạc, mà để kiếm tìm sự đồng cảm về tinh thần.
Người ta thiếu
rượu ngon thì chỉ khó chịu một vài ngày nhưng thiếu nước thì không thể sống nổi
quá một hôm. Chuyện chính là như vậy, tri âm đích thực quý nhau như khách, lễ độ,
khiêm cung, giao hảo với nhau như nước, dịu dàng, thanh đạm mà bền sâu và lắng
đọng.
11. Tiết chế ăn uống để dưỡng dạ dày, đọc nhiều sách để nuôi
lòng can đảm
Muốn bảo vệ
sức khỏe thì tất ăn uống không được quá mức, cần phải tiết chế. Muốn nuôi dưỡng
lòng dũng cảm, thao lược và trí tuệ ắt là cần phải đọc sách nhiều. Dưỡng
sinh thể chất hay tinh thần đều quan trọng như nhau.
Người thông
minh mà không khỏe mạnh thì không gọi là người hiền đích thực. Người khỏe mạnh
mà chẳng có tâm hồn thì chính là kẻ thất phu. Khỏe mạnh cả thân lẫn tâm mới là
cảnh giới của người trí huệ thực sự vậy.