Cùng nhau mở rộng chân trời kiến thức Chia sẻ để thấu hiểu!

tháng 3 2017

Ai đó đã từng nói: Busy is the new lazy (tạm dịch: bận rộn cũng là một kiểu lười biếng). Điều tưởng chừng như nghịch lí này có thể được chứng minh bằng thực tế rằng, nhiều người có vẻ rất bận rộn nhưng những việc họ làm lại có hiệu quả không cao. Ngược lại, những người làm việc hiệu quả lại sử dụng rất tốt quỹ thời gian của mình để cân bằng giữa công việc và việc tạo ra thêm nhiều giá trị tinh thần và vật chất khác.

 Trên thực tế, có đến 10 khác biệt rõ rệt giữa người bận rộn với người thành công, và mỗi lựa chọn đều ảnh hưởng trực tiếp đến con đường sự nghiệp hiện tại lẫn tương lai của chúng ta.


Trong cuộc đời của mỗi người, ít ai không gặp chuyện phiền não. Có người vì không muốn mất mặt mà không thể buông bỏ thể diện, có người vì bị đối xử bất công mà sinh ra oán giận khiến tâm, thân mệt mỏi.v.v. Để hạnh phúc vui vẻ, chỉ cần học cách buông bỏ 10 điều này.
1. Buông bỏ thể diện

Thể diện là một cái lồng mà khi bạn nhốt mình trong đó bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt. Cái tôi không nên quá cao, chấp trước vào thể diện bản thân khiến bạn cả đời căng thẳng. Sống thật với mình, không đẹp một chút cũng đã sao, sai lầm một chút thì cũng đâu có vấn đề gì. Quan trọng là có thể bước tiếp và học hỏi từ những vấp ngã, thay vì chỉ cố gắng trong tuyệt vọng để giữ hình ảnh hoàn hảo. 
2. Buông bỏ áp lực
Mệt mỏi hay không là do cách nhìn nhận của mỗi người. Đừng tự tạo cho mình áp lực, hãy tìm thấy điểm tốt trong những việc không thuận lòng. Giải quyết mọi việc một các rõ ràng, mới có thể cắt đứt mọi phiền não. Vứt bỏ mọi thống khổ trong lòng mới có không gian để đón nhận hạnh phúc.

3. Buông bỏ quá khứ
Quên đi quá khứ thì bạn mới có thể thay đổi tâm trí, tâm trạng để sống tiếp những ngày hạnh phúc. Học cách bình tĩnh chấp nhận thực tế và nói với chính mình rằng hãy tùy kỳ tự nhiên, hãy thản nhiên đón nhận những điều không may mắn, học cách tìm hiểu quan điểm tích cực và luôn nghĩ về mặt tốt của cuộc sống.

4. Buông bỏ mặc cảm
Hãy xóa từ mặc cảm khỏi từ điển của bạn. Không phải ai cũng có thể trở thành một con người hoàn hảo. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể là một người có nội tâm mạnh mẽ. Tin vào bản thân và xác định vị trí của chính mình. Bạn cũng xứng đáng có một cuộc sống có giá trị như những người khác.
5. Buông bỏ sự lười biếng
Cố gắng để bản thân sống ý nghĩa hơn, nỗ lực để làm tốt tất cả mọi việc, kể cả là một việc nhỏ nhặt nhất. Tự nhắc nhở bản thân phải là một người chăm chỉ, khiêm tốn, vui vẻ, hạnh phúc và lương thiện, như vậy mới hy vọng có được cuộc sống xán lạn hơn.
6. Buông bỏ tiêu cực
Tuyệt vọng sang bên trái, hy vọng sang bên phải. Nếu bạn muốn trở thành một người thành công, thì nên hướng về bên phải. Hãy để tích cực đánh bại tiêu cực, lấy cao thượng đánh bại sự nhỏ mọn, lấy chân thành đánh bại dối trá, lấy khoan dung đánh bại hẹp hòi, lấy vui vẻ đánh bại u buồn, lấy chăm chỉ đánh bại lười biếng, lấy kiên cường đánh bại yếu đuối, lấy vĩ đại đánh bại hèn mọn. Miễn là bạn cố gắng thì đều có thể biến bản thân thành một người hoàn hảo. Không ai có thể làm ảnh hưởng đến cuộc đời bạn trừ bản thân bạn. Trong cuộc chiến với bản thân, bạn sẽ phải tự mình quyết định rút ra chiến lược chiếu tướng như thế nào.
7. Buông bỏ oán hận
Oán hận không bằng nỗ lực, thất bại chính là sự chuẩn bị cho thành công. Oán hận chính là sự cản trở trên con đường tiến đến thành công, buông bỏ oán hận, thản nhiên tiếp nhận thất bại. Bất bình không cũng không thể thay đổi được thực tế, phấn đấu mới mang đến hy vọng. Dù là vàng thật thì cũng dần dần bị ôxy hóa, vì thế chỉ cần trong tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp thì cuộc sống mới có thể vui vẻ. Đừng nghĩ tiêu cực về cuộc sống, đừng bao giờ nghĩ cuộc đời đối với bạn thật bất công. Kỳ thực ông trời rất công bằng, không cho không và lấy không của ai thứ gì.
8. Buông bỏ ngại ngần
Đã lập rõ kế hoạch thì không nên do dự. Đã chọn được phương hướng và con đường đúng đắn thì không cần phải quay đầu lại nhìn. Lập tức hành động là phương châm của của những người thành công. Nếu bạn có một kế hoạch nào cảm thấy có thể thực hiện, vậy thì hãy nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Lập tức hành động, thành công không có giới hạn.
9. Buông bỏ sự nhỏ mọn
Trái tim rộng mở thì đất trời cũng trở nên thênh thang. Khoan dung người khác trên thực tế chính là mở ra cho bản thân một con đường. Chỉ có khoan dung mới có thể tạo nên những bản nhạc tuyệt vời cho cuộc sống, nó cũng chính là một loại mỹ đức.
10. Buông bỏ nghi ngờ
Trong tâm có nghi ngờ, thì làm việc gì cũng khó. Dùng người thì không nên hoài nghi, hoài nghi thì không nên dùng. Nên nhận định rõ ràng quan điểm của người khác, không nên nghi ngờ đoán già đoán non, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai người.

Đôi lần, khi nhìn lên trời cao vào một ngày mùa thu, chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy những đàn chim di cư đang bay về phương Nam tránh rét. Bạn có thấy rằng, trong những chuyến hành trình về phương Nam tránh rét ấy, các đàn chim di cư đều bay theo hình chữ V? 
Nghiên cứu về cách bay của đàn chim, các nhà khoa học cho rằng, những đàn chim bay theo hình chữ V ấy chính là để tiết kiệm sức lực của mình cho chuyến bay đường dài vô cùng mệt mỏi. Bởi mỗi khi một con chim vỗ đôi cánh của mình, nó sẽ tạo ra một lực đẩy cho con chim bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn chim có thể tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một. Dẫu chẳng hiểu gì về cách tính toán của các nhà khoa học, nhưng con số 71% sức lực tiết kiệm được khi bay theo bầy đàn trong đội hình chữ V, với tôi, thực sự là một con số vô cùng ấn tượng.

Mỗi khi con chim bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ và được hưởng những ưu thế từ sức mạnh của cả bầy chim.
Và, còn một điều thú vị nữa là khi con chim đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con chim khác sẽ dẫn đầu.
Tiếng kêu của đàn chim từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Những lời động viên ấy đã tạo nên sức mạnh cho những con chim đang ở vị trí đầu đàn, giúp chúng giữ vững tốc độ, thay vì để chúng mỗi giây phút phải chịu đựng áp lực của vị trí dẫn đầu đàn và sự mệt mỏi triền miên.
Cuối cùng khi một con chim bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con chim khác sẽ rời khỏi bầy để cùng hạ xuống với con chim bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến khi nào con chim bị thương có thể bay lại được hoặc là chết, và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và tiếp tục hành trình bay về phương Nam xa xôi.
Đàn chim không có bản đồ định hướng bay, không có vùng quản lý và hướng dẫn bay như con người. Đàn chim cũng không có cơ chế hoạt động theo một trật tự như con người. Chúng chỉ bay theo bản năng, nhưng cuối cùng, chúng vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ trong những mùa di cư của cuộc đời làm chim.
Câu chuyện về đàn chim di cư bay trên trời cao theo hình chữ V luôn khiến chúng ta ngưỡng mộ, những muốn học tập, làm theo mỗi khi liên tưởng tới các hoạt động của nhóm và các thành viên trong nhóm. Ta có thể cảm nhận sự tinh tế từ sức mạnh tổng hợp của đàn chim là do mỗi thành viên mang lại trong mỗi hoạt động của bầy đàn. Đó là sức mạnh của một nhóm, sức mạnh được tìm thấy trong một chỉnh thể mà các thành viên trong đó đều chung sức, chung lòng.
Trước hết là các thành viên trong nhóm phải tin tưởng lẫn nhau, phải xác định được mục tiêu chung của nhóm để rồi cùng một lòng dốc sức gánh vác nhiệm vụ. Chỉ có thể làm tốt được việc này khi mỗi thành viên đã hiểu được nhiệm vụ của mình, để rồi cùng chung ý nguyện chia sẻ khó khăn, cùng gỡ bỏ vướng mắc vì những mục tiêu chung của cả nhóm. Việc làm này chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, chia sẻ thông tin giữa các thành viên.
Vị trí của con chim đầu đàn bay theo hình chữ V ấy cũng truyền cho chúng ta một thông điệp rất rõ ràng. Đó là việc chia sẻ vị trí lãnh đạo, vị trí khó khăn nhất của nhóm. Điều này cho thấy nó sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các thành viên. Những công việc khó khăn sẽ được mọi thành viên trong nhóm thay phiên nhau đảm nhận. Có như vậy thì những người ở vị trí lãnh đạo nhóm mới có thể luôn được động viên khích lệ để tự tin gánh vác trách nhiệm của người đứng đầu, và luôn được san sẻ khó khăn. Họ sẽ không bị áp lực công việc của vị trí đầu tàu, nơi đầu sóng, ngọn gió, và vì thế, chắc chắn là hiệu quả của công việc sẽ được tăng lên rất nhiều.
Làm việc theo nhóm bao giờ cũng mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn, bởi các thành viên là cùng làm, cùng tiến, cùng chịu, cùng hưởng. Làm việc một mình thì sức ỳ sẽ rất lớn, lớn hơn rất nhiều khi làm việc cùng nhau trong một chỉnh thể vẹn toàn. Nhắc đến chỉnh thể, bất giác tôi nhớ đến một đoạn thơ trong bài thơ “Một giọt nước có làm thành biển cả” :
Sông đã cạn dòng, sao mát mái chèo xuôi
Một bàn tay vỗ không thành tiếng được
Một bàn chân không thể cùng sóng bước
Thiếu kim chỉ giờ, sao tỏ được thời gian?
Sóng có rạt rào khi vắng bãi bờ êm,
Một giọt nước chẳng làm thành biển cả,
Cây trơ gốc khi thiếu cành, thiếu lá,
Vạn vật trên đời… vì Pháp đáo lai!
Thế đấy, một cánh én mỏng không làm nên mùa Xuân. Một bàn tay không thể nào vỗ thành tiếng được. Hoạt động theo chỉnh thể, theo nhóm sẽ tốt hơn rất nhiều so với hoạt động đơn lẻ của mỗi cá nhân. Hành động theo tinh thần của loài chim di cư, theo một chỉnh thể vẹn toàn giúp các thành viên trong nhóm sát cánh bên nhau, trong mọi lúc mọi nơi, cùng nhau chia sẻ, gánh vác công việc, cả khi khó khăn, nguy hiểm lẫn những lúc suôn sẻ, ngọt ngào. Vậy thì, bạn ơi, còn chần chừ gì nữa! Hãy nắm lấy cơ hội được bay trong đội hình của một đàn chim di cư, đội hình bay theo hình chữ V! Cơ hội này là một đặc ân mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta, một thông điệp rõ ràng nhất mà bề trên đã lưu lại cho con người khi là thành viên của một nhóm.


Rõ ràng là làm việc như nhau, tại sao người khác có thể mua nhà mua xe, còn mình thì vẫn nghèo khổ? Tại sao có người thấy hạnh phúc, có người thì khóc ròng? Đọc xong bạn sẽ hiểu vì sao…
1. Một cái máy tính vừa ý cần phải bỏ ra 30 triệu đồng, trong khi tiền lương hàng tháng của anh chỉ có 6 triệu. Vợ nói với anh: “Anh khùng rồi, anh mà mua thì chúng ta sẽ ly hôn”. Anh ta hỏi tôi nên làm thế nào
Tôi nói: “Anh không xứng với cái máy tính đó, bởi vì nếu đến cái mình thích mà anh cũng không có dũng khí để theo đuổi, thì sau này còn làm được trò trống gì trong xã hội này đây?”.
Anh ta cắn răng để mua. Vì để trả nợ anh ta đã không ngừng làm thêm. Cuối cùng nội trong một tháng anh ấy đã trả hết số tiền còn thiếu. Vợ của anh cũng không vì sự điên khùng của anh ấy mà đòi ly hôn.

Sau đó, vợ anh ta dẫn anh đến chỗ mua xe, nói: “Anh à, chúng ta vay tiền mua chiếc xe BMW nhé”. Anh ta rất hoảng hốt, cho rằng vợ mình khùng rồi.
Một năm sau anh ta trả hết số tiền vay mua xe BMW.
Cảm ngộ: Ngay đến theo đuổi cái mình thích cũng không có dũng khí để theo đuổi, thì chắc chắn bạn là người thất bại.

2. Hai con ngựa mỗi con kéo một xe hàng. Một con thì đi nhanh, một con thì vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ. Người chủ thấy vậy đã mang toàn bộ hàng phía sau chuyển lên phía trước. Con ngựa ở đằng sau cười: “Hà hà! Càng nỗ lực thì lại càng bị đày đọa!”.
Ai ngờ rằng người chủ sau đó lại nghĩ: “Một con ngựa là đủ để kéo xe rồi, tại sao mình lại phải nuôi 2 con?”.
Sau đó con ngựa lười bị làm thịt. Đây chính là hiệu ứng con ngựa lười trong kinh tế học.
Cảm ngộ: Để cho người khác cảm thấy dù bạn tồn tại cũng được mà không có cũng không sao, thì ngày bạn bị đá văng đi sẽ không còn xa nữa.

3. Chợ đêm có hai quầy bán mì. Quầy hàng liền nhau, bài trí tương tự nhau. Một năm sau, chủ quầy A kiếm được tiền mua được nhà, còn chủ quầy B thì không thể. Tại sao?
Lúc đầu chủ quầy B bán cũng rất khá, nhưng sợi mì vừa nấu xong rất nóng, phải ăn mất 15 phút mới ăn hết 1 tô. Mà chủ quầy A thì nấu mì xong, cho bát mì vào nước lạnh 30 giây rồi mới bê ra cho khách, lúc này nhiệt độ vừa đủ.
Cảm ngộ: Tiết kiệm thời gian cho khách hàng, thì tiền mới đến nhanh được.

4. Nelson Mandela đã từng bị giam giữ 27 năm, chịu đủ hình thức ngược đãi. Khi ông nhận chức tổng thống, ông đã mời 3 người trông coi tù đã từng ngược đãi ông đến gặp mặt, lúc đó tất cả mọi người đều tĩnh lặng trở lại.
Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi tù, lúc bước ra khỏi cổng ngục giam, tôi đã xác định rất rõ ràng rằng, nếu tôi giữ lại tất cả nỗi đau, oán hận, thì tôi cũng giống như ở trong tù vậy”.
Cảm ngộ: Tha thứ cho người khác, kỳ thực là thăng hoa chính mình.

5. Có người hỏi nông phu: “Có trồng lúa mạch không?”
Nông phu: “Không, tôi sợ trời không mưa”.
Người kia lại hỏi: “Vậy ông có trồng bông không?”.
Nông phu: “Không, tôi sợ côn trùng ăn hết bông”.
Người kia hỏi tiếp: “Vậy ông trồng gì?”.
Đáp án này, bạn nghe xong sẽ thấy rất quen thuộc …
Nông phu: “Không trồng gì hết, tôi phải bảo đảm an toàn”.
Cảm ngộ: Một người không dám mạo hiểm đối mắt với thử thách, thì chắc chắn sẽ chẳng làm được gì.

6. Ba người ra khỏi nhà, một người mang dù, một người cầm gậy chống, một người đi tay không.
Khi trở về, người cầm dù bị ướt đẫm, người cầm gậy chống bị thương, người còn lại thì không sao hết.
Chuyện là, khi mưa đến, người có dù hiên ngang đi, nhưng lại bị ướt; khi đi trên đường bùn đất, người có gậy chống liều lĩnh bước, và liên tục bị ngã; Người không có gì trong tay, khi mưa đến thì trú mưa, khi đường xấu thì đi rất cẩn thận, và cuối cùng không bị sao cả.
Cảm ngộ: Rất nhiều khi chúng ta không bại bởi thiếu khuyết, mà là bại bởi ưu thế của mình.

7. Một con quạ đen trên đường bay của mình gặp một con bồ câu đang trở về nhà.
Bồ câu hỏi: “Bạn muốn bay đi đâu?”
Quạ đen nói: “Kỳ thực tôi không muốn đi, nhưng mọi người đều chê tiếng kêu của tôi, vì thế tôi muốn đi”.
Bồ câu nói với quạ: “Phí sức rồi! nếu bạn không thay đổi tiếng kêu mình, đến đâu cũng sẽ không được chào đón”.
Cảm ngộ: Nếu bạn hy vọng hết thảy đều có thể trở nên tốt đẹp hơn, thì hãy bắt đầu từ việc thay đổi chính mình.

8. Một gia đình có ba người con trai, bọn họ từ nhỏ đã sống trong cảnh bố mẹ cãi nhau suốt ngày, mẹ họ thường xuyên bị thương tích đầy mình. Anh cả nói: “Mẹ thật đáng thương! Anh sau này sẽ phải tốt với vợ”.
Anh hai nói: “Kết hôn thật chẳng có ý nghĩa gì, khi lớn lên em nhất định sẽ không kết hôn!”
Cậu em út nói: “Vốn dĩ là chồng có thể đánh vợ như thế này!”.
Cảm ngộ: Cho dù hoàn cảnh giống nhau, nhưng lối tư duy khác nhau, cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời khác nhau.

9. Lợn rừng và ngựa cùng nhau ăn cỏ, lợn rừng thường xuyên giở trò xấu, không phải đạp lên cỏ xanh thì cũng làm đục nước.
Ngựa vô cùng tức giận, một lòng muốn trả thù, liền đi tìm thợ săn giúp đỡ. Thợ săn nói sẽ đồng ý nếu ngựa để cho hắn cưỡi. Thế là thợ săn cưỡi ngựa và săn được heo rừng, rồi sau đó dắt ngựa về cột ở chuồng, ngựa mất sự tự do ban đầu mà mình vốn có.
Cảm ngộ: Bạn không thể dễ dàng tha thứ cho người khác, thì sẽ chỉ mang đến cho mình những điều không hạnh phúc.

10. Người đi xe đạp, gắng sức đạp 1 tiếng đồng hồ chỉ đi được khoảng 10 cây số.
Một người đi xe hơi, đạp chân ga 1 tiếng là đã có thể đi 100 cây số.
Một người đi tàu cao tốc, nhắm mắt ngủ 1 tiếng đồng hồ cũng đã có thể đi được 300 cây số.
Một người vừa ngồi máy bay vừa ăn các món ngon, 1 tiếng đồng hồ có thể đi được 1000 cây số.
Cảm ngộ: Vẫn là một người, vẫn nỗ lực như vậy, nhưng đặt ở những bệ phóng khác nhau sẽ mang đến các kết quả khác nhau.

Trong cuộc sống nỗ lực là điều bất cứ ai cũng có, dù ít hay nhiều. Nhưng không phải ai cũng biết, ngoài nỗ lực cần có sự thay đổi để thích nghi với môi trường thì mới có thể thành công được.


Có một con ruồi nhỏ bị giam trong một căn phòng kín bao vây bởi những ô cửa kính. Ruồi tìm mọi cách đập vào cửa kính để tìm lối thoát ra nhưng vô vọng.


Với nỗ lực và lòng kiên trì, ruồi nghĩ rằng “Nếu như không đạt được một điều gì đó thì đơn giản là cần phải tập trung nhiều sức lực vào nó hơn”. Vậy là ruồi ta tiếp tục quăng cả thân mình vào cửa kính với hy vọng có thể vượt qua chướng ngại vật và tìm được tự do.
Tuy nhiên, nỗ lực điên cuồng thì chẳng đem lại điều gì cả. Một con ruồi nhỏ bé dù có nỗ lực đến đâu đi chẳng nữa cũng không thể làm vỡ cửa kính cứng rắn kia được. Ruồi biết điều đó, nhưng nó bế tắc bởi không làm được gì khác, và nó quyết định lao đầu vào làm điều vô vọng.
Kết quả là sau bao nỗ lực, ruồi vẫn rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Nó tìm thấy nơi trú ẩn cuối cùng trên bậu cửa sổ.
Có một điều mà con ruồi hoàn toàn không biết đó là cách cửa sổ mười bước chân, ở một góc của căn phòng, cửa ra vào vẫn mở. Ruồi chỉ mất khoảng vài giây để bay qua đó, len qua khe cửa và trốn thoát ra ngoài. Việc này đòi hỏi một phần nghìn nỗ lực mà con ruồi đã bỏ ra để làm vỡ kính cửa sổ.
Tự do ở đó, lối thoát ngay bên cạch, chỉ dễ dàng thế thôi. Nhưng tại sao ruồi không tìm được?
Tại sao ruồi lại bị thuyết phục bởi ý kiến cho rằng chính lối thoát đó sẽ mang đến khả năng đạt được sự tự do mà nó khao khát?


Tại sao con ruồi nhỏ bé lại quyết tâm dồn tất cả sức lực của mình vào con đường ấy? Vì sao nó cố đâm vào tấm kính đến hơi thở cuối cùng mà không thử thay đổi chiến thuật một lần?
Tất nhiên, đây là cách thức của con ruồi và hoàn toàn logic với chiến thuật của nó. Ruồi bị đóng đinh bởi suy nghĩ rằng cứ nỗ lực hết mình thì sẽ có được thành công, dù việc khó đến đâu đi chăng nữa.
Con ruồi không biết rằng, yếu tố quyết định thành công còn có môi trường và những cơ hội. Việc thay đổi để thích nghi với môi trường hay chớp lấy cơ hội mới là điều quan trọng nhất, chứ không phải nỗ lực điên cuồng và mù quáng.
Trong cuộc sống cũng vậy, nỗ lực là điều tất cả chúng ta đều có, dù ít hay nhiều. Ai cũng muốn thành công, ai cũng muốn có một công việc ổn định và kiếm thật nhiều tiền. Và tất nhiên, ai cũng nỗ lực để thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng không phải ai cũng biết, ngoài nỗ lực cần có sự thay đổi để thích nghi với môi trường thì mới có thể thành công được.
Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang bước đi trên con đường mà chính các bạn cũng lờ mờ nhận ra nó sẽ không đưa bạn đến cái đích mình muốn.
Thế nhưng, các bạn vẫn bước, vẫn cố chấp đi vào ngõ cụt bởi vì các bạn đi theo xu hướng của đám đông, các bạn sợ mình sẽ thua thiệt nếu không làm theo cách mà mọi người vẫn đang làm. Vô hình chung, bạn biến thành người sống để đeo đuổi giấc mơ và đam mê của người khác.
Để hiểu rõ hơn về điều này, bạn có thể nhìn vào cuộc đời “huyền thoại” Steve Jobs để thấy ông đã thay đổi và thích nghi như thế nào.

Năm 30 tuổi, Jobs bị Apple - công ty do chính mình sáng lập sa thải. “Tôi đã bị sa thải, thậm chí còn bị họ công khai chỉ trích” – Jobs chia sẻ.
Năm 1985, trong giai đoạn khủng hoảng tuổi 30, Jobs từng băn khoăn tự hỏi liệu mình nên tham gia vào chính trị hay trở thành một phi hành gia hay không? Tuy nhiên sau đó, ông tiếp tục thay đổi chiến thuật và sáng lập nên công ty máy tính NeXT.
Gần một thập kỷ sau đó, Steve Jobs quay trở lại Apple và mang đến cuộc cách mạng mới cho các sản phẩm iPod, iPhone, và iPad nhờ sự sáng tạo và thích nghi không ngừng nghỉ.
Trong một lần phát biểu trước các sinh viên đại học Stanford, Jobs cho biết: “Tôi từng không nhận ra nhưng chính việc bị Apple sa thải đã tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Trở ngại của thành công được thay thế bằng ánh sáng khi bạn nhìn thấy một con đường mới và thay đổi để thích nghi với nó. Tôi đã được tự do để thỏa sức sáng tạo trong suốt cuộc đời mình”.



Đức Phật dạy có bốn loại bạn: một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân,
ba là kết bạn như núi, và bốn là kết bạn như đất
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục đích đen tối đó. Tôn Đà Lợi thường xuyên trang điểm đẹp đẽ, ôm hoa đến cúng dường Phật. Một thời gian sau, bọn chúng giết cô gái và vùi xác cô phía sau tịnh xá, phao tin rằng Phật đã thủ tiêu cô gái nhằm ém nhẹm mối quan hệ bất chính của Ngài. Vụ việc khiến không ít người xôn xao, nghi hoặc. Vua Ba Tư Nặc cho người theo dõi, điều tra vụ việc. Cuối cùng, chân tướng sự việc đã được phát lộ do ngoại đạo tranh cãi về việc phân chia tiền bạc bất đồng sau khi vụ án hoàn thành. 
Qua câu chuyện trên, vua Ba Tư Nặc thắc mắc tại sao Đức Phật có đời sống trong sáng như vậy mà còn bị hãm hại. Theo đó, Đức Phật đã kể lại một tiền kiếp của Ngài, là nhân duyên của kinh Hiền Nhân.
Chuyện được bắt đầu từ một người tên Hiền Nhân, sinh trong một gia đình có 3 anh em. Sau khi thân phụ mất, 2 người anh tham lam, dẫn đến xung đột trong việc phân chia tài sản. Hiền Nhân quyết bỏ tất cả lợi dưỡng, ra đi tìm đường học đạo. Sau khi gặp được minh sư, ngộ được đạo mầu, Hiền Nhân dùng trí tuệ, phương tiện giáo hóa quần sinh. Vua nước Lâm Đạt cảm được đạo hạnh của Ngài, tôn làm quốc sư, góp phần giáo hóa, đem lại sự an bình cho nhân dân trong nước. Tuy thế, 4 vị quan tham ô trong triều sinh lòng đố kỵ, mua chuộc và xúi giục hoàng hậu bày hạ kế khiến vua phải đuổi Hiền Nhân đi.
Vua nghe lời hoàng hậu, ngược đãi Ngài. Hiền Nhân đọc được bạc tâm của vua và hoàng hậu, quyết định một y một bát vào núi ẩn cư tu hành. Trước khi ra đi, Ngài đã có một đối thoại vô cùng hữu ích với nhà vua, đó là một cái nhìn độc đáo về văn hóa ứng xử đạo đức cũng như phương cách sống của mọi người ở mọi vị trí khác nhau trong đời sống cộng đồng. Qua tinh thần kinh Hiền Nhân, chúng ta nhận ra một cái nhìn về đạo đức Phật giáo trong việc ứng xử giữa người với người, là một bài học quý giá trong mọi hoàn cảnh xã hội, xưa cũng như nay.
Ở đây, chỉ trong phạm vi một lát cắt về tình bạn, đã được Đức Phật đề cập rất tinh tế, như là một chuẩn mực thể hiện đạo lý làm người, giúp chúng ta nhận chân được nhân cách con người thông qua hành vi giao tiếp, ứng xử. Lời dạy của Phật không chỉ là những tình huống ứng đối mà còn giúp chúng ta có một lối sống phù hợp với đạo lý làm người trước những hoàn cảnh trái với mong muốn.
Ngài dạy: “Thương yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kính nhau để cầu thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. (...) Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày đặt sự sai lầm mà vu oan cho họ. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương yêu đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.
Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh khác để đậu, huống chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên vịn nắm, người loạn ý ta chẳng phạm nhằm họ. Người muốn đem việc xấu cho nhau, dù thấy nhau cũng không vui, ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó là người ở bạc. Người muốn đem việc lành cho nhau thì dù chậm dù gấp cũng phải đi; đem lời trung chính nhắc nhở nhau, thì cũng đủ biết người ấy là người hậu. (...) Bạn tri thức gặp nhau, chủ đãi khách, đêm đầu thì quý như vàng, đêm thứ hai thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạt nhách như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy, nếu tôi không đi, đợi đến chừng nào mới đi?”.
Trong cuộc đối thoại này, Hiền Nhân đã trình bày cho vua rất nhiều khía cạnh về sự ứng đối giữa người với người. Đặc biệt và đáng chú ý nhất có lẽ là sự khái quát về bốn cách kết bạn, như là một châm ngôn, một bài học luân lý - đạo đức Phật giáo mà Đức Phật đã gửi đến nhân loại: “Bạn có bốn thứ: một là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn như đất”.
Sao gọi là kết bạn như hoa?
Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.
Chúng ta thấy, Đức Phật đã minh họa một cách hình tượng và thực tiễn như thế nào khi đề cập đến kiểu kết bạn thiếu nhân, thiếu nghĩa, chỉ xu theo vật chất, lợi dưỡng. Một người bạn mà ứng xử như thế thì làm sao chúng ta có thể kết bạn lâu dài? Chính điểm này, trong đoạn kinh, Hiền Nhân đã nói với vua: “Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí tuệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau thì sanh oán giận. Giao tiếp người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có cung kính thì thân lâu ngày càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp cũng không nên tin…” .
Trong cuộc sống, kiểu kết bạn này dường như không hiếm. Cho nên, trong cơn hoạn nạn mới có thể nhận thấy được đâu là tình bạn thủy chung, đích thực. Khi giàu sang hay khi quyền cao chức trọng, nếu có nhiều người đến giao du kết bạn, thì ta hãy khoan vội mừng, cho rằng mình được nhiều người quý trọng và lắm bạn hiền. Bạn hiền thì dù ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, miễn là còn giữ được phẩm chất, nhân cách, thì bạn không bao giờ thay lòng đổi dạ.
Sao gọi là kết bạn như cân?
Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.
Đó là tình bạn như cân, lúc vổng lên, lúc hạ xuống, khi tỏ vẻ trọng vọng, khi rất đỗi coi thường. Cũng như trên, ngày nay có không ít những “tình bạn” như thế. Nhất là trên “quan trường hoạn lộ”, khi ta còn đương chức đương quyền, có biết bao người đến thăm hỏi, quà cáp; khi ta thất thế hay về hưu thì tất cả những bạn bè trước đây đều không còn lui tới, qua lại. Tìm được người tri âm, tri kỷ có lẽ còn khó hơn tìm vàng.
Thời Đông Chu có câu chuyện về tình bạn như sau: “Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc khóc ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi: Ông với Bảo Thúc vốn không phải họ hàng thân thích, cớ sao lại thương tiếc, khóc than như vậy?
Quản Trọng nói: Lúc nhỏ tôi khốn khổ, thường đi buôn chung với Bảo Thúc, lúc chia lãi bao giờ ta cũng lấy phần hơn mà Bảo Thúc không cho ta là tham, vì biết tôi gặp cảnh quẫn bách, bất đắc dĩ phải lấy như thế. Tôi ở chỗ chợ búa, thường bị lắm kẻ dọa nạt, Bảo Thúc không cho ta là kẻ hèn nhát, vì biết tôi có lượng khoan dung. Bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc không cho tôi là ngu, biết con người có lúc may, lúc rủi cho nên công việc có lúc thành, lúc bại. Tôi ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi chức, Bảo Thúc không bao giờ xem thường xa lánh, vì biết tôi chưa gặp thời… Đối với người hiểu mình, mình đem cả tính mạng ra cống hiến còn chưa là quá, huống chi thương tiếc mà khóc thế này thì thấm vào đâu...”.
Bạn như thế có mấy người? Nhân tình ấm lạnh, cuộc sống dễ đổi thay, đây là lẽ thực của nhân sinh...
Sao gọi là kết bạn như núi?
Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế: khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.
Việt Nam chúng ta có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Quý thay những người có thể hy sinh cả sự nghiệp cho bạn như chuyện Lưu Bình - Dương Lễ...
Bên cạnh đó, dường như ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ. Câu chuyện đã tạo nên một giai thoại, và cũng qua câu chuyện này, người đời có câu “tri âm tri kỷ” để chỉ cho kiểu tình bạn cảm thông, thấu hiểu, không phân biệt sang hèn.
Bá Nha và Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sách Lã Thị Xuân Thu chép: “Bá Nha gảy đàn, Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm”.  Tử Kỳ còn khen tiếng đàn của Bá Nha lúc thì “nguy nguy hồ chí tại cao sơn”, lúc thì “dương dương hồ chí tại lưu thủy”.
Bá Nha, họ Du tên Thụy, người nước Sở, nhưng làm quan Thượng Ðại Phu nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời và không bao giờ rời cây Dao cầm yêu quý của mình. Còn Tử Kỳ họ Chung tên Huy, là một danh sĩ ẩn dật làm nghề đốn củi để báo hiếu cha mẹ tuổi già nua,  nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông Hán Dương.
Một hôm, Bá Nha đến cửa sông Hán Thương, gặp đêm trăng sáng, bèn cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên, dồn hết tâm tư dạo một khúc đàn. Đàn chưa dứt bài thì dây bỗng đứt; Bá Nha nghĩ có người nghe trộm, bèn cho người đi tìm. Người chưa kịp đi thì nghe tiếng nói: - Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành! Bá Nha cười lớn bảo: - Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng nghe đàn với ta? Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại: - Đại nhân nói vậy, kẻ hèn này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến... Nếu đại nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên khảy lên khúc đàn tuyệt diệu làm gì. Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều phu. Biết mình lỡ lời, liền tiến sát đến mũi thuyền dịu giọng nói: -  Người quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì không? -  Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi, phổ vào tiếng đàn, lời rằng: Khả liên Nhan Hồi mệnh tảo vong / Giáo nhân tư tưởng mấn như sương / Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc. Hồi nãy, đại nhân đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu bốn là: Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương...
Bá Nha vô cùng bái phục và xin kết nghĩa anh em. Năm sau, trở lại chốn cũ, hay tin Tử Kỳ đã mất, Bá Nha đến mộ lễ lạy, xong tấu khúc tiếc thương và đập vỡ Dao cầm. Vì Bá Nha hiểu rằng, từ đây, không ai có thể thấu được tiếng đàn / tiếng lòng của ông nữa... Dao cầm đập nát đau lòng phượng / Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai? / Gió xuân khắp mặt bao bè bạn / Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!
Sao gọi là kết bạn như đất?
Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên...
Đây là mối quan hệ bạn bè nương tựa nhau để cùng tiến bộ, là tấm gương bạn bè chân tình, cao quý - một trong những yếu tố tạo nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Khi thấy bạn có những tiến bộ, mình không sanh lòng ganh tỵ; khi thấy bạn gặp cảnh ngộ thiệt thòi, kém sút, mình cũng không sanh tâm khi dể, rẫy ruồng.
Sự tương thân đó làm cho tánh vị kỷ không còn tồn tại trong mỗi con người. Chính vì sự vị kỷ mà con người sanh ra đố kỵ, làm cản trở sự tiến bộ của người khác.
Bồ tát Hiền Nhân đã nói: “Kẻ trí giả nhìn thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua, cường tráng rồi sẽ suy nhược, có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. Cho nên, lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thạnh thì nghĩ đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà người khó thắng. Người trí như vậy đó, ta không nên khinh thường…”
Trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay cũng có những con người biết sống chia sẻ cùng nhau lúc khó khăn, được xem là “cổ tích thời hiện đại”. Điển hình như câu chuyện ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An - Phú Yên) - một học sinh lành lặn (Nguyễn Thị Định), cõng một học sinh khuyết tật (Lâm Thị Minh Trang) đến trường suốt những năm cấp 2; lên đến cấp 3, cả hai mới được đến trường bằng xe đạp... 
Có thể nói, tình bạn như thế đã nói lên sự hy sinh, giúp nhau cùng tiến bộ. Tình bạn đó không còn là tình bạn thường tình, mà đã tạo nên một nhân cách lớn, và không phải chỉ có trong những trang “cổ tích”, mà là một hình ảnh tuyệt đẹp giữa đời thường, trong xã hội hiện đại.
Qua bốn kiểu kết bạn trong kinh Hiền Nhân, chúng ta nhận thức rõ lối ứng xử trong mối tương quan bạn bè, hay nói khác hơn, dù chúng ta làm bất cứ nghề nghiệp gì, khi chọn đối tác hay tạo mối quan hệ, chúng ta cũng có thể ứng dụng bốn cách này để có thể nhận chân về những mối quan hệ mà ta đang có, đồng thời tạo nên một lối ứng xử có thủy có chung, có văn hóa, đạo đức.

Có thể nói, qua đây, chúng ta cũng thấy rõ giáo lý đạo Phật không chỉ nói về những vấn đề “xuất thế”, mà Đức Phật cũng đã rất chú trọng về vấn đề “nhập thế” - hoàn thiện nhân cách trước khi đạt được thánh cách - giúp cho tất cả chúng ta một phương pháp ứng xử phù hợp với đạo lý làm người, tạo nên một nhân cách sống. Nhân cách sống đó, dù bất cứ ở đâu và bất cứ thời điểm nào, cũng có thể ứng dụng và mang lại những kết quả tốt đẹp.


Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.