“Bạn có đang hài lòng về những mối quan hệ của mình không?”, đây là câu hỏi mà gần như rất hiếm người có thể trả lời rằng họ hài lòng với tất cả những mối quan hệ họ có.
Phần lớn chúng ta luôn có những điểm chưa hài lòng về nhau. Dĩ nhiên, nguyên nhân thì có nhiều. Chẳng hạn như con người chúng ta không có ai là hoàn hảo, chắc chắn có điểm tốt thì cũng phải có điểm xấu. Hay như mỗi người là một bản thể khác nhau, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, tính tình khác nhau thì có người hợp, người không.

Thế nhưng, bên ngoài những yếu tố không thể thay đổi được, bài này nói về một yếu tố tâm lý có thể thay đổi được giúp giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ.


TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG KÌ VỌNG KHÔNG LỜI
Là con người, chúng ta luôn kì vọng về những mối quan hệ xung quanh mình. Nghịch lý nằm ở chỗ, chúng ta thường không nói ra nhưng lại muốn họ đáp ứng được điều đó.
Cha mẹ kì vọng ở con cái trở thành hình mẫu theo mong muốn của cha mẹ. Con cái kì vọng cha mẹ phải tâm lý và hành xử theo hình mẫu của con cái. Vợ chồng kì vọng đối phương phải yêu thương, quan tâm theo mong muốn của chính mình. Sếp kì vọng nhân viên phải hiểu những gì mình nói. Nhân viên kì vọng sếp phải đối xử, đãi ngộ theo mong muốn của mình.
Tất cả chúng ta đều mong muốn người khác đối xử với mình theo cách mình muốn được đối xử, nhưng chúng ta lại thường ít khi nói hoặc cho người khác biệt mình thực sự mong muốn được đối xử như thế nào. Hệ quả là người khác đối xử với chúng ta theo cách họ nghĩ là bạn mong muốn được đối xử. Và ngược lại, chúng ta cũng đối xử với người khác theo cách mình nghĩ là tốt cho họ. Thế rồi, chúng ta dần dần có những kì vọng không lời, và cảm thấy không hài lòng khi người khác không làm theo đúng kì vọng của chúng ta.
Khi không hài lòng về nhau, nhiều người cũng không dễ nói ra với đối phương, mà thường giữ lại trong lòng. Hệ quả là một ngày nào đó, giọt nước tràn ly. Cha mẹ, con cái bất đồng quan điểm. Vợ chồng mâu thuẫn li dị nhau. Sếp đuổi việc nhân viên, nhân viên bỏ sếp đi công ty khác. Chúng ta đi nói xấu người khác vì họ không làm được những gì mà ta kì vọng. Trong khi sự thật thì tất cả mối quan hệ đổ vỡ, nguyên nhân đều đến từ cả hai, chứ không bao giờ chỉ ở một người.
ĐỪNG NGHĨ RẰNG NGƯỜI KHÁC HIỂU NHỮNG GÌ BẠN HIỂU
Chúng ta luôn biết những gì mình biết. Điều đó không có nghĩa là người khác cũng biết những gì bạn biết. Do vậy, để có thể hòa hợp được với nhau, cách tốt nhất là hãy trao đổi kì vọng. Con người chúng ta khác nhau, cho nên chúng ta luôn có những kì vọng khác nhau. Thế nên, giải pháp đó là phải trung hòa kì vọng. Điều này cũng giống như một người chỉ uống được nước nóng và một người chỉ uống được nước lạnh. Người uống nước nóng và người uống nước lạnh không thể ép người khác uống thứ nước giống mình. Nhưng cả hai, đều có thể chấp nhận một cốc nước ấm.
Khi cha mẹ hỏi con cái về kỳ vọng của con, con cái hỏi cha mẹ về kỳ vọng của cha mẹ, vợ chồng hỏi kì vọng của đối phương về nhau, sếp hỏi nhân viên về kì vọng của nhân viên, nhân viên hỏi sếp kì vọng của sếp về mình, thì kết quả, chúng ta đã hiểu nhau và nâng cao sự chấp nhận nhau hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, bên cạnh những kì vọng lớn là những kì vọng nhỏ, có tính chu kì và thay đổi thường xuyên theo thời gian. Cho nên, hàng tháng, chúng ta có thể trao đổi với nhau những kì vọng.
Nếu bạn là người thẳng thắn, bạn có thể hỏi câu “Điều gì mà bạn cảm thấy không hài lòng ở tôi trong thời gian qua?”.
Nếu bạn là người thích sự nhẹ nhàng và dễ chịu hơn, bạn có thể hỏi “Điều gì bạn nghĩ là tôi có thể làm tốt hơn?”. Việc hỏi này có rất nhiều tác dụng.
1. Nó giúp đối phương dễ chịu hơn về bạn nếu như bạn có làm mọi thứ không được như kì vọng của họ.
2. Khi họ nói thẳng trước mặt bạn, họ sẽ không có nhu cầu đi “nói xấu” bạn sau lưng. Ngược lại, nếu họ rất không hài lòng về bạn, nhưng lại không muốn nói trước mặt bạn, nhiều khả năng họ sẽ tìm một người khác để xả, mà không phải là bạn.
3. Khi có những thông tin phản hồi, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh để tốt lên. Sẽ có những thứ người khác nhìn được ở bản thân chúng ta mà chính chúng ta không nhận ra, như thế chẳng phải quá tốt hay sao.
4. Trong trường hợp họ hiểu sai về bạn, hoặc điều họ góp ý cho bạn là không chính xác, đây chính là cơ hội để bạn giải thích cho họ.
Nói chung, người Việt mình hay có tâm lý “để bụng” hoặc “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Chúng ta có những kì vọng về nhau, nếu người khác không thực hiện được thì chúng ta vô tình dễ để bụng, không hài lòng về họ.
Thế nên, lớp người trẻ hiện đại, những người thấu hiểu tâm lý thì nên thay đổi. Có gì thì cứ thẳng thắn trao đổi với nhau, đừng ngần ngại và đặc biệt nên ghi nhớ câu châm ngôn: “Bụng chỉ nên để thức ăn thôi”.