Học những thói quen của người thành công sẽ giúp bạn đến gần
thành công hơn. Thế nhưng, trước khi thói quen bén rễ để bạn thực hiện các
chúng một cách tự nhiên, bạn luôn gặp thách thức lớn, đó là làm sao để bắt đầu
và duy trì chúng.
Giáo sư Joshua Spodek tại New York University, một blogger nổi
tiếng, đảm nhận nhiều chuyên mục của Inc, New York Times, Forbes… đã luyện
viết đều đặn mỗi ngày trong suốt 5 năm và đã có 2.200 bài viết nhờ sự kiên trì
này. Cuối năm 2011, ông thực hiện các bài tập đốt calo mỗi ngày, và đến
nay, ông đã có 75.000 bài tập.
“Nhiều năm trước, tôi có rất nhiều thói quen không chọn lọc và bản
thân không có phát triển nào đáng kể. Hiện giờ, tôi ý thức tạo nên những thói
quen nào giúp cải thiện cuộc sống và biết những thói quen phải gạt bỏ. Và
để thành công, bạn cần biết chọn lọc những thói quen”, Joshua Spodek chia sẻ.
Giáo sư cũng cho biết các bí quyết để bạn dễ dàng duy trì các
hành động, cho đến khi nó thực sự trở thành thói quen - một phần trong cuộc sống
của bạn.
1. Đừng cố "cai nghiện" một thói quen cũ, hãy bắt đầu
một điều gì mới
Khi bạn cố gắng nhắc nhở mình đừng ăn nhiều đồ béo, ngọt là lúc
bạn nhớ về những món ăn đó nhiều nhất khiến quá trình "cai nghiện" của
bạn trở nên khó khăn, khổ sở. Nếu muốn đẩy một cái gì ra khỏi cuộc sống, trước
tiên, bạn cần đẩy nó ra khỏi tâm trí.
Mẹo hay để bạn quên đi một thói quen là hãy bắt đầu một điều gì
khác. Ví dụ, thay vì cố ép mình không ăn khoai tây, bạn chỉ cần cố gắng ăn nhiều
trái cây, các loại hạt, cà rốt hay các thực phẩm lành mạnh khác.
Tương tự,
thay vì cố gắng ít xem TV hay lướt Facebook hơn bạn hãy bắt đầu một thói quen mới
như tham gia vào một đội bóng hoặc viết một cuốn sách.
2. Tạo ra cảm xúc cho những mục tiêu
Nếu thói quen mới không khiến bạn hứng thú, bạn sẽ không có lý
do gì để tiếp tục nó. Trái lại, nếu bạn tìm thấy niềm vui, chính cảm xúc tích cực
đó sẽ thúc đẩy bạn tiếp tục thực hiện những hành động đó cho đến khi nó trở
thành thói quen của bạn.
Ví dụ, nếu chỉ xác định mục tiêu tập gym, bạn sẽ rất khó cất bước
đến phòng tập và duy trì điều đó. Thế nhưng, nếu có một người bạn đi tập cùng,
bạn sẽ thấy thời gian đi tập thú vị hơn. Hoặc bạn tham gia vào một đội bóng,
tinh thần đồng đội, niềm vui trong lúc tập luyện sẽ giúp bạn dễ thành công hơn
trong việc rèn luyện thể dục thể thao.
Cố gắng tạo ra những cảm xúc từ những thói quen hoặc bạn sẽ mất
hứng thú thực hiện nó. Bạn cũng có thể tạo thêm động lực bằng cách xem những
người có thói quen mà bạn mong muốn đã thành công như thế nào, trái lại, những
người không thực hiện được đã đánh mất những gì.
3. Sử dụng sức mạnh ý chí
Khi cố gắng thực hiện thói quen mới, bạn đang lấy mất thời gian,
sự thoải mái, dễ dàng của những thói quen cũ. Đây là một lực cản lớn khiến nhiều
người không vượt qua được. Nếu biết chắc xem TV hay việc ngủ dậy trễ khiến bạn
thoải mái thì bạn lại không mấy chắc chắn với việc dậy sớm tập thể dục hay tập
chơi một loại nhạc cụ mới có thể mang đến những niềm vui gì. Vì vậy, bạn
không có những cảm xúc đủ mạnh để thúc đẩy mình thực hiện.
Do đó,
để tạo ra những thói quen, bạn cần sử dụng sức mạnh ý chí, giúp bạn lặp đi lặp
lại các hành động cho đến khi hệ thống cảm xúc của bạn nhận ra rằng những hành
động này sẽ mang đến những phần thưởng tinh thần. Lúc đó, bạn sẽ thực hiện các
hành động này một cách tự nhiên mà không cần quá cố gắng nữa.
4. Bắt đầu với nhận thức về tình hình hiện tại
Nếu bạn không biết bạn đang ở đâu, bạn cũng không biết mình cần
phải đi đâu. Nếu muốn tăng thêm thời gian tập gym, bạn phải biết bạn đang làm
những công việc gì, có thể cắt bớt thời gian ở việc nào cho việc tập gym.
5. Sử dụng sức mạnh của môi trường, hành vi và niềm tin
Bạn cần có sự phối hợp của cả 3 yếu tố: môi trường, hành vi và
niềm tin để tạo động lực mạnh mẽ thực hiện thói quen mới. Nếu thiếu một yếu tố
nào đó, bạn sẽ thiếu sức mạnh hoặc không tận hưởng trọn vẹn lợi ích mà thói
quen mới mang lại.
Ví dụ, bạn cố gắng đến phòng tập gym, nghĩa là bạn cố gắng thay
đổi môi trường và hành vi. Nhưng nếu bạn không có niềm tin rằng tập thể dục
mang đến năng lượng, sức khỏe và vóc dáng đẹp, bạn sẽ không có động lực tiếp tục.
6. Hạn chế những cảm xúc tiêu cực
Nhiều người cố gắng không ăn thịt dù họ rất thích món này, họ đến
phòng tập thể dục dù nó khiến họ rất khó chịu. Từ đó, khi cố gắng thực hiện những
thói quen mới, họ mắc vào nhiều cảm xúc tiêu cực, càng nỗ lực càng cảm thấy bất
lực dù nhận thức được những thói quen đó hữu ích cho cuộc sống như thế nào.
Vì thế,
khi theo đuổi một thói quen, bạn cần tạo ra điều kiện thực hiện chúng một cách
thoải mái, với cảm xúc tốt nhất. Đừng tự gieo những ám ảnh cho chính mình dẫn đến
những thất bại khi cố thay đổi cuộc sống tích cực hơn.
7. Tìm một hình mẫu để phấn đấu
Một ai đó làm được những thứ mà bạn muốn, hãy xem họ như tấm
gương để phấn đấu. Tìm đến và làm quen với họ, học hỏi từ những lỗi lầm lẫn
thành công của họ. Những người bạn yêu thích sẽ mang đến cho bạn cảm hứng muốn
phấn đấu để giống như họ, khiến bạn thực hiện những thói quen tích cực một cách
tự nhiên.
8. Chia sẻ những gì bạn yêu thích
Một khi bạn bắt đầu quen với những thói quen mới, hãy chia sẻ nó
với mọi người, nhằm thu hút thêm những người ủng hộ bạn và đẩy lùi những người
không tin tưởng khiến bạn nản lòng. Cố gắng tự tạo ra một cộng đồng tích cực
xung quanh mình để thúc đẩy cuộc sống tốt đẹp hơn.
9. Thói quen không hợp lý khiến bạn không muốn làm
Ai cũng
biết nên ăn nhiều các thức ăn lành mạnh để tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu những
món ăn đó không ngon, bạn sẽ thấy thật vô lý khi phải cố ăn chúng. Vì vậy, hãy
cố gắng làm cho thực phẩm ngon hơn để chính bạn cảm thấy việc làm của bạn là hợp
lý và cần thiết.
10. Kiên trì
Nếu bạn ngừng thực hiện điều gì đó 1 ngày, bạn sẽ bỏ lỡ nó 2
ngày, và cũng có thể là mãi mãi. Vì thế, hãy nỗ lực, kiên trì thực hiện một
thói quen mỗi ngày, không bỏ lỡ nó dù vì bất kỳ điều gì.
Sau tất
cả, điều quan trọng nhất bạn cần làm đó chính là bắt đầu, nỗ lực và kiên trì thực
hiện một hành vi nào đó, cho đến khi nó trở thành thói quen. Nếu bạn không bắt
đầu, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội cho bất cứ điều gì.
Đăng nhận xét