Xưa kia, một nhà nghèo nọ có ba anh con trai. Tết đến người cha không có tiền
lì xì, bèn nghĩ cách lấy giấy đỏ làm ra 3 cái phong bì nhưng bên
trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 tờ giấy được nắn nót 3 chữ Phước – Lộc
– Thọ. Chẳng ngờ năm đó gia đình nọ tiền vô như triều cường. Thoắt cái lại tới
ba mươi tháng chạp, người cha định tái diễn cách lì xì bằng chữ để nhắc nhở các
con rằng chúng đang được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách.
Nhưng lạ thay, khi ba người con mở phong bì ra chỉ thấy vỏn vẹn chữ Phước,
còn hai chữ Lộc, Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bất ngờ
trước nhà xuất hiện một người, bảo rằng: “Ta là phúc thần của đất này.
Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: Phước, Lộc, Thọ,
vì có Phước mới hưởng được Lộc, mới Thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu Lộc, cầu
Thọ, chỉ một chữ Phước để mừng tuổi đầu năm là “đủ”. Nói rồi, thần làm cho
chữ Phước trên giấy biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một
lần nữa vì giờ đây chỉ còn lại mặt giấy trống trơn, trắng toát.
Rồi vị thần kể với cha con họ câu chuyện về một người cầu Phước được Phước,
trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Ông ta một mực thâu góp vàng ngọc về
cho riêng mình, bỏ vào chiếc hũ và đem chôn ở một nơi bí mật trong nhà mà không
cho ai hay kể cả con trai. Khi chết, linh hồn ông quay lại nhà cũ đầu thai
thành con chó, suốt ngày nằm lì trước hiên nơi ông chôn hũ vàng để canh giữ số
vàng ấy. Hễ người con đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như
rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Một ngày nọ có vị đại sư tình cờ ngang
qua nhà thấu biết sự tình, bèn bảo người con trai đào chỗ con chó thường nằm
lên thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Nghe xong đầu đuôi sự tình, anh ta tỉnh
ngộ, từ chối không nhận số vàng rồi rời nhà theo vị đại sư lên núi tu tập.
Kể xong, vị thần bảo: “Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ Phước
trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nếu làm Phước, được Phước mà thiếu Trí
Tuệ sẽ trở nên như con chó kia vậy – nằm trên đống vàng, đống ngọc mà vẫn khổ
đau, phiền bực. Chữ Phước chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu đi cùng Tuệ, bằng không nó
chỉ dẫn đến những cuộc thăng trầm bất tận trong cuộc đời. Giờ đây ngươi hãy
nhìn xem” Liền đó, trên bao lì xì hiện hai chữ Phước Tuệ. Hai chữ này là để
mừng sự khởi đầu của một năm mới tròn vẹn lẫn Phước và Tuệ.
Đăng nhận xét