“Tặng cho những ai đang vượt qua thử thách. Đừng gọi nó
là khó khăn, hãy gọi đó là thử thách. Thử thách sinh ra không phải để nhấn chìm
bạn mà là để bạn khám phá ra sức mạnh của mình lớn đến thế nào. Vì khi vượt qua
nó, bạn có cơ hội làm nên những điều kỳ diệu.”
Một trong những điều thú vị khi tôi đi học AYP là được
chơi những trò chơi rất ý nghĩa. ThầyTrí bảo: “Hãy nhìn cách mà một người chơi
một trò chơi, vì đó cũng là cách mà họ sống trong cuộc đời”.
Chúng tôi – 8 nhóm đã cùng chơi trò xếp que tính lên một
trái banh to bằng quả cam, đặt trên một cái ly. Yêu cầu là làm sao có thể xếp hết
50 que tính lên trái banh đó.
Chúng tôi lay hoay trong vòng 5 phút, rồi 10 phút, cứ xếp
lên rồi lại rớt xuống liên tục. Mỗi nhóm làm một kiểu, nhóm thì xếp từng que,
nhóm thì đan rổ, nhóm thì xây đế hình tam giác…Rốt cục, mỗi nhóm một kết quả
nhưng không có nhóm nào có thể đáp ứng được yêu cầu của trò chơi.
Có người làm mãi mà không được, và bắt đầu tin rằng không
thể làm được. Họ bỏ cuộc, hoặc làm một khán giả đứng ngoài cuộc chơi.
Có người thì hoang mang, niềm tin giảm sút. Họ vẫn tham
gia nhưng không còn nhiệt tình nữa.
Vẫn có những người tin rằng: Chắc chắn là được, chỉ là
mình chưa làm đúng cách. Họ cứ tiếp tục vận dụng phương pháp thử và sai.
Cuối cùng, khi tận mắt nhìn thấy thầy tôi xếp hết 50 que
tính lên trái banh đó, chúng tôi mới thật sự bị thuyết phục rằng đó là điều có
thể làm được.
Trò chơi nhỏ, nhưng cho chúng tôi nhiều bài học.
Cùng một trò chơi, nhưng mỗi người sẽ chơi khác nhau, ra
những kết quả khác nhau.
Cuộc sống cũng không khác gì trò chơi ấy. Khi chúng
ta bắt tay vào việc gì đó để thực hiện mục tiêu to lớn của mình, chúng ta sẽ đối
mặt với rất nhiều thử thách, thậm chí là bị vùi dập, thất bại không biết bao
nhiêu lần, sẽ có những người xung quanh tác động đến chúng ta (cả tích cực lẫn
tiêu cực), làm lung lay niềm tin trong ta. Điều quan trọng là cách chúng ta
nhìn nhận về những thử thách ấy như thế nào, ta sẽ hành động theo thế ấy. Và
chúng ta có quyền tự do lựa chọn cho mình những niềm tin ấy, nên đừng chọn những
niềm tin nào làm giới hạn sức mạnh của bạn.
Thầy tôi kể, cách đây 1 năm, thầy đã chơi trò ấy lần đầu
tiên và làm được. Còn chúng tôi cũng chơi lần đầu tiên, nhưng không ai thắng cả.
Vậy có điều gì khác biệt giữa thầy tôi ngày ấy và chúng tôi bây giờ?
Thầy bảo: đó là sự trưởng thành, càng trưởng thành thì
chúng ta giải quyết vấn đề càng giỏi hơn.
Tôi nghĩ về mọi chuyện, về những thử thách mà mình đã và
đang trải qua, về cách mà mình đã giải quyết chúng. Tôi chợt nghĩ về cách người
ta thường xử sự khi gặp vấn đề trong tình yêu. Có người sẽ làm to chuyện, ăn vạ,
trách móc người kia… . Có người tự
tử. Có người chọn lựa giải pháp im lặng và co cụm, dè dặt yêu thương. Có người
cố trốn tránh và đi tìm một điều gì khác để đắp vào. Có người thì can đảm đối mặt
với nó, giải quyết và tiếp tục bước đi. Cách xử sự của mỗi người không phụ thuộc
vào độ tuổi của họ, mà tùy thuộc vào sự trưởng thành của họ.
Khi nhìn nhận ra điều đó, tôi bỗng thấy thấu hiểu và cảm
thông hơn những người xung quanh và chính bản thân mình. Làm sao có thể trách một
đứa bé không biết chạy xe máy? Làm sao có thể trách ai đó xử sự quá trẻ con khi
họ chưa bao giờ được học về những cách cư xử như người lớn? Làm sao có thể
trách ai đó ích kỷ khi từ nhỏ đến giờ chưa ai yêu thương họ một cách vô điều kiện?
Làm sao có thể trách ai đó không hiểu mình khi chính mình cũng chưa hiểu họ? …
Đừng vội trách ai đó khi bạn chưa thật sự hiểu họ. Tha thứ cho những lỗi lầm
chưa trưởng thành của mình và người khác, tôi lại thêm biết ơn những thử thách
đã làm tôi lớn lên. Không có thất bại, mà chỉ có những bài học ta đã học được từ
sự việc đó. Càng trải nghiệm, đi qua thử thách, tôi càng thấy mình trở nên mạnh
mẽ và sống tuyệt vời hơn.
Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi tích cực, sự
trưởng thành của con người. Sự trưởng thành cần thời gian, nên đôi khi cũng phải
chờ đợi, chờ cho đến khi họ đã sẵn sàng cho một sự thay đổi, giống như chờ một
đứa bé đủ lớn để có thể dạy cho nó chạy xe đạp vậy. Và cũng không cần phải so
sánh mình với ai khác, chỉ cần so sánh mình với bản thân mình trong quá khứ để
xem mình đã lớn lên như thế nào.
Đăng nhận xét