Đức Phật dạy có bốn loại bạn: một
là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân,
ba là kết bạn như núi, và bốn là kết bạn như đất |
Sự ảnh hưởng sâu rộng của Đức Phật và Tăng đoàn đã làm cho
ngoại đạo lo sợ quần chúng sẽ theo Phật và xa rời họ. Do đó, một nhóm
ngoại đạo đã suy nghĩ, toan tính âm mưu triệt hạ uy danh Đức Phật. Sau cùng, một
nữ đệ tử cuồng tín của họ tên là Tôn Đà Lợi đã chấp nhận hy sinh bản thân cho mục
đích đen tối đó. Tôn Đà Lợi thường xuyên trang điểm đẹp đẽ, ôm hoa đến cúng dường
Phật. Một thời gian sau, bọn chúng giết cô gái và vùi xác cô phía sau tịnh xá,
phao tin rằng Phật đã thủ tiêu cô gái nhằm ém nhẹm mối quan hệ bất chính của
Ngài. Vụ việc khiến không ít người xôn xao, nghi hoặc. Vua Ba Tư Nặc cho người
theo dõi, điều tra vụ việc. Cuối cùng, chân tướng sự việc đã được phát lộ do
ngoại đạo tranh cãi về việc phân chia tiền bạc bất đồng sau khi vụ án hoàn
thành.
Qua câu chuyện trên, vua Ba Tư Nặc thắc mắc tại sao Đức Phật
có đời sống trong sáng như vậy mà còn bị hãm hại. Theo đó, Đức Phật
đã kể lại một tiền kiếp của Ngài, là nhân duyên của kinh Hiền Nhân.
Chuyện được bắt đầu từ một người tên Hiền Nhân, sinh
trong một gia đình có 3 anh em. Sau khi thân phụ mất, 2 người anh tham lam, dẫn
đến xung đột trong việc phân chia tài sản. Hiền Nhân quyết bỏ tất cả lợi dưỡng,
ra đi tìm đường học đạo. Sau khi gặp được minh sư, ngộ được đạo mầu, Hiền
Nhân dùng trí tuệ, phương tiện giáo hóa quần sinh. Vua nước Lâm Đạt cảm được đạo
hạnh của Ngài, tôn làm quốc sư, góp phần giáo hóa, đem lại sự an bình cho
nhân dân trong nước. Tuy thế, 4 vị quan tham ô trong triều sinh lòng đố kỵ,
mua chuộc và xúi giục hoàng hậu bày hạ kế khiến vua phải đuổi Hiền Nhân đi.
Vua nghe lời hoàng hậu, ngược đãi Ngài. Hiền Nhân đọc được bạc
tâm của vua và hoàng hậu, quyết định một y một bát vào núi ẩn cư tu hành.
Trước khi ra đi, Ngài đã có một đối thoại vô cùng hữu ích với nhà vua, đó
là một cái nhìn độc đáo về văn hóa ứng xử đạo đức cũng như phương
cách sống của mọi người ở mọi vị trí khác nhau trong đời sống cộng
đồng. Qua tinh thần kinh Hiền Nhân, chúng ta nhận ra một cái
nhìn về đạo đức Phật giáo trong việc ứng xử giữa người với người,
là một bài học quý giá trong mọi hoàn cảnh xã hội, xưa cũng như nay.
Ở đây, chỉ trong phạm vi một lát cắt về tình bạn, đã
được Đức Phật đề cập rất tinh tế, như là một chuẩn mực thể hiện
đạo lý làm người, giúp chúng ta nhận chân được nhân cách con người thông
qua hành vi giao tiếp, ứng xử. Lời dạy của Phật không chỉ là những tình
huống ứng đối mà còn giúp chúng ta có một lối sống phù hợp với đạo
lý làm người trước những hoàn cảnh trái với mong muốn.
Ngài dạy: “Thương yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi
thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kính nhau để
cầu thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. (...) Người không
có lỗi với mình, thì mình không nên bày đặt sự sai lầm mà vu oan cho họ. Người
muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương yêu đã xa lìa thì
không nên nghĩ đến.
Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh khác để đậu, huống
chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên
vịn nắm, người loạn ý ta chẳng phạm nhằm họ. Người muốn đem việc xấu cho nhau,
dù thấy nhau cũng không vui, ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó
là người ở bạc. Người muốn đem việc lành cho nhau thì dù chậm dù gấp cũng phải
đi; đem lời trung chính nhắc nhở nhau, thì cũng đủ biết người ấy là người hậu.
(...) Bạn tri thức gặp nhau, chủ đãi khách, đêm đầu thì quý như vàng, đêm thứ
hai thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạt nhách như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy,
nếu tôi không đi, đợi đến chừng nào mới đi?”.
Trong cuộc đối thoại này, Hiền Nhân đã trình bày cho vua rất nhiều
khía cạnh về sự ứng đối giữa người với người. Đặc biệt và đáng chú ý nhất có lẽ
là sự khái quát về bốn cách kết bạn, như là một châm ngôn, một bài học luân
lý - đạo đức Phật giáo mà Đức Phật đã gửi đến nhân loại: “Bạn có bốn thứ: một
là kết bạn như hoa, hai là kết bạn như cân, ba là kết bạn như núi, bốn là kết bạn
như đất”.
Sao gọi là kết bạn như hoa?
Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi.
Kết bạn cũng thế: hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm
lơ.
Chúng ta thấy, Đức Phật đã minh họa một cách hình tượng
và thực tiễn như thế nào khi đề cập đến kiểu kết bạn thiếu nhân, thiếu
nghĩa, chỉ xu theo vật chất, lợi dưỡng. Một người bạn mà ứng xử như thế
thì làm sao chúng ta có thể kết bạn lâu dài? Chính điểm này, trong
đoạn kinh, Hiền Nhân đã nói với vua: “Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội
họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà
không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có
khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm
trí tuệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau
thì sanh oán giận. Giao tiếp người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có
cung kính thì thân lâu ngày càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở
không thực thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết
hợp cũng không nên tin…” .
Trong cuộc sống, kiểu kết bạn này dường như không hiếm. Cho nên,
trong cơn hoạn nạn mới có thể nhận thấy được đâu là tình bạn thủy chung, đích
thực. Khi giàu sang hay khi quyền cao chức trọng, nếu có nhiều người đến giao
du kết bạn, thì ta hãy khoan vội mừng, cho rằng mình được nhiều người quý trọng
và lắm bạn hiền. Bạn hiền thì dù ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, miễn là còn
giữ được phẩm chất, nhân cách, thì bạn không bao giờ thay lòng đổi dạ.
Sao gọi là kết bạn như cân?
Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có
qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.
Đó là tình bạn như cân, lúc vổng lên, lúc hạ xuống, khi tỏ vẻ trọng
vọng, khi rất đỗi coi thường. Cũng như trên, ngày nay có không ít những “tình
bạn” như thế. Nhất là trên “quan trường hoạn lộ”, khi ta còn đương chức
đương quyền, có biết bao người đến thăm hỏi, quà cáp; khi ta thất thế
hay về hưu thì tất cả những bạn bè trước đây đều không còn lui tới,
qua lại. Tìm được người tri âm, tri kỷ có lẽ còn khó hơn tìm vàng.
Thời Đông Chu có câu chuyện về tình bạn như sau: “Bảo Thúc
chết, Quản Trọng thương tiếc khóc ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi: Ông với Bảo
Thúc vốn không phải họ hàng thân thích, cớ sao lại thương tiếc, khóc than như vậy?
Quản Trọng nói: Lúc nhỏ tôi khốn khổ, thường đi buôn chung với Bảo
Thúc, lúc chia lãi bao giờ ta cũng lấy phần hơn mà Bảo Thúc không cho ta là
tham, vì biết tôi gặp cảnh quẫn bách, bất đắc dĩ phải lấy như thế. Tôi ở chỗ chợ
búa, thường bị lắm kẻ dọa nạt, Bảo Thúc không cho ta là kẻ hèn nhát, vì biết
tôi có lượng khoan dung. Bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc
không cho tôi là ngu, biết con người có lúc may, lúc rủi cho nên công việc có
lúc thành, lúc bại. Tôi ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi chức, Bảo Thúc không
bao giờ xem thường xa lánh, vì biết tôi chưa gặp thời… Đối với người hiểu
mình, mình đem cả tính mạng ra cống hiến còn chưa là quá, huống chi thương tiếc
mà khóc thế này thì thấm vào đâu...”.
Bạn như thế có mấy người? Nhân tình ấm lạnh, cuộc sống
dễ đổi thay, đây là lẽ thực của nhân sinh...
Sao gọi là kết bạn như núi?
Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng
rực. Kết bạn cũng thế: khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.
Việt Nam chúng ta có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Quý
thay những người có thể hy sinh cả sự nghiệp cho bạn như chuyện Lưu
Bình - Dương Lễ...
Bên cạnh đó, dường như ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện
Bá Nha - Tử Kỳ. Câu chuyện đã tạo nên một giai thoại, và cũng qua câu
chuyện này, người đời có câu “tri âm tri kỷ” để chỉ cho kiểu tình bạn cảm
thông, thấu hiểu, không phân biệt sang hèn.
Bá Nha và Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Sách
Lã Thị Xuân Thu chép: “Bá Nha gảy đàn, Tử Kỳ ở ngoài nghe trộm”. Tử
Kỳ còn khen tiếng đàn của Bá Nha lúc thì “nguy nguy hồ chí tại cao sơn”, lúc
thì “dương dương hồ chí tại lưu thủy”.
Bá Nha, họ Du tên Thụy, người nước Sở, nhưng làm quan Thượng Ðại
Phu nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một khách phong lưu văn mặc, lại có ngón
đàn tuyệt diệu nhất đời và không bao giờ rời cây Dao cầm yêu quý của mình. Còn
Tử Kỳ họ Chung tên Huy, là một danh sĩ ẩn dật làm nghề đốn củi để báo hiếu cha
mẹ tuổi già nua, nhà tại Tập Hiền Thôn, gần núi Mã Yên, ở cửa sông
Hán Dương.
Một hôm, Bá Nha đến cửa sông Hán Thương, gặp đêm trăng sáng, bèn
cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên, dồn hết tâm tư dạo một khúc đàn. Đàn chưa dứt
bài thì dây bỗng đứt; Bá Nha nghĩ có người nghe trộm, bèn cho người đi tìm. Người
chưa kịp đi thì nghe tiếng nói: - Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân này
đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất
bước đi không đành! Bá Nha cười lớn bảo: - Người tiều phu nào đó dám nói hai tiếng
nghe đàn với ta? Tiếng nói từ trên núi lại đáp lại: - Đại nhân nói vậy, kẻ hèn
này trộm nghĩ là không đúng. Há đại nhân không nhớ câu nói của người xưa: “Thập
nhất chi ấp tất hữu trung tín” (Trong một ấp có mười nhà ắt có người trung
tín). Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa ắt có người quân tử đến... Nếu đại
nhân khinh chỗ quê mùa không người biết nghe đàn, thì cũng không nên khảy lên
khúc đàn tuyệt diệu làm gì. Bá Nha có vẻ ngượng khi nghe câu nói của người tiều
phu. Biết mình lỡ lời, liền tiến sát đến mũi thuyền dịu giọng nói: - Người
quân tử ở trên bờ, nếu thực biết nghe đàn, biết vừa rồi ta khảy khúc gì không?
- Khúc đàn đại nhân vừa tấu đó là: Ðức Khổng Tử khóc thầy Nhan Hồi,
phổ vào tiếng đàn, lời rằng: Khả liên Nhan Hồi mệnh tảo vong / Giáo nhân tư
tưởng mấn như sương / Chỉ nhân lậu hạng đan biều lạc. Hồi nãy, đại nhân
đang đàn thì đứt dây, nên còn thiếu mất câu bốn là: Lưu đắc hiền danh vạn
cổ dương...
Bá Nha vô cùng bái phục và xin kết nghĩa anh em. Năm sau, trở lại
chốn cũ, hay tin Tử Kỳ đã mất, Bá Nha đến mộ lễ lạy, xong tấu khúc tiếc thương
và đập vỡ Dao cầm. Vì Bá Nha hiểu rằng, từ đây, không ai có thể thấu được tiếng
đàn / tiếng lòng của ông nữa... Dao cầm đập nát đau lòng phượng / Ðàn vắng Tử
Kỳ, đàn với ai? / Gió xuân khắp mặt bao bè bạn / Muốn kiếm tri âm, ôi khó thay!
Sao gọi là kết bạn như đất?
Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ,
ân hậu không quên...
Đây là mối quan hệ bạn bè nương tựa nhau để cùng tiến
bộ, là tấm gương bạn bè chân tình, cao quý - một trong những yếu tố tạo
nên tinh thần tùy hỷ trong đạo Phật. Khi thấy bạn có những tiến bộ,
mình không sanh lòng ganh tỵ; khi thấy bạn gặp cảnh ngộ thiệt thòi, kém sút,
mình cũng không sanh tâm khi dể, rẫy ruồng.
Sự tương thân đó làm cho tánh vị kỷ không còn tồn tại
trong mỗi con người. Chính vì sự vị kỷ mà con người sanh ra đố kỵ,
làm cản trở sự tiến bộ của người khác.
Bồ tát Hiền Nhân đã nói: “Kẻ trí giả nhìn thấy rõ ràng đời
là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua, cường tráng rồi sẽ
suy nhược, có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả.
Cho nên, lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thạnh thì nghĩ đến lúc
vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Có giận hờn ai
thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu
đuối mà người khó thắng. Người trí như vậy đó, ta không nên khinh thường…”
Trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay cũng có những
con người biết sống chia sẻ cùng nhau lúc khó khăn, được xem là “cổ tích
thời hiện đại”. Điển hình như câu chuyện ở thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây (huyện
Tuy An - Phú Yên) - một học sinh lành lặn (Nguyễn Thị Định), cõng một học sinh
khuyết tật (Lâm Thị Minh Trang) đến trường suốt những năm cấp 2; lên đến cấp
3, cả hai mới được đến trường bằng xe đạp...
Có thể nói, tình bạn như thế đã nói lên sự hy sinh,
giúp nhau cùng tiến bộ. Tình bạn đó không còn là tình bạn thường
tình, mà đã tạo nên một nhân cách lớn, và không phải chỉ có trong
những trang “cổ tích”, mà là một hình ảnh tuyệt đẹp giữa đời thường,
trong xã hội hiện đại.
Qua bốn kiểu kết bạn trong kinh Hiền Nhân, chúng ta
nhận thức rõ lối ứng xử trong mối tương quan bạn bè, hay nói khác hơn,
dù chúng ta làm bất cứ nghề nghiệp gì, khi chọn đối tác hay tạo mối
quan hệ, chúng ta cũng có thể ứng dụng bốn cách này để có thể nhận
chân về những mối quan hệ mà ta đang có, đồng thời tạo nên một lối ứng xử
có thủy có chung, có văn hóa, đạo đức.
Có thể nói, qua đây, chúng ta cũng thấy rõ giáo lý đạo
Phật không chỉ nói về những vấn đề “xuất thế”, mà Đức Phật cũng đã rất chú trọng
về vấn đề “nhập thế” - hoàn thiện nhân cách trước khi đạt được thánh cách -
giúp cho tất cả chúng ta một phương pháp ứng xử phù hợp với đạo lý làm
người, tạo nên một nhân cách sống. Nhân cách sống đó, dù bất cứ ở đâu và
bất cứ thời điểm nào, cũng có thể ứng dụng và mang lại những kết quả tốt
đẹp.
Đăng nhận xét