Khi đồng tiền không còn là động lực sống...

Tôi có một trải nghiệm thú vị từ nhỏ là rất ít khi phải lo nghĩ về tiền. Sự thật là như vậy. Là bởi vì ngày nhỏ hay được tiền thưởng từ học sinh giỏi nên đôi khi cũng có vốn liếng để mua quà vặt, rồi thì lên cấp 3 có học bổng hàng tháng, nói chung là cũng có vẻ sung sướng. Lên đại học cái thì có tiền đi gia sư, nhuận bút viết báo. Ngay từ năm nhất tôi cũng đã đi làm và kiếm được tiền. Vô tình chục năm trời tôi được hình thành niềm tin rằng khả năng kiếm tiền của mình rất tốt.
Nhưng cũng chính điều đó mà bất giác tôi chiêm nghiệm về ý nghĩa của đồng tiền. Ngày còn nhỏ, năm nào bố mẹ cũng phải đóng tiền quỹ khuyến học như nhau, nhưng cuối năm bạn nào thành tích học sinh giỏi lại được thưởng nhiều hơn. Trong con mắt của một đứa trẻ ngày còn học tiểu học, tôi chỉ nghĩ rằng: à học giỏi thì được nhiều quà hơn. Lớn dần lên, tôi hiểu rằng: à học giỏi thì bao giờ phần thưởng cũng nhiều hơn mặc dù bố mẹ của mọi học sinh đều đóng tiền quỹ khuyến học là như nhau. Sau nhiều những phần thưởng, chuyến đi chơi nhờ có thành tích, tôi lại nghĩ rằng: à học giỏi thì được khuyến khích nhiều hơn.
Đến khi đi làm, tôi lờ mờ nhận ra rằng: đó là giá trị của sức lao động, giá trị của chất xám. Chất xám và giá trị bỏ ra càng nhiều, thì sự ghi nhận của xã hội càng lớn, mà cụ thể ở đây, một dạng ghi nhận chính là tiền.
Nhưng rồi tôi cũng nhận ra một sự thật rằng, bấy lâu nay, từ xưa nay tôi chưa bao giờ học vì tiền, và cũng chưa bao giờ đi làm vì tiền, mà tiền chỉ là hệ quả.
Tôi vẫn còn nhớ có một lần năm lớp 11, tôi chủ động nhắn tin cho thầy giáo lãnh đội đội tuyển quốc gia Toán nói với thầy rằng: “Em rất thích học Toán, thầy có thể cho em vào đội dự tuyển được không ạ“, mặc dù khi đó toán chuyên tôi không phải top của lớp. Rồi rất bất ngờ, trong 2 tháng đó, những học sinh học đội dự tuyển được nhận học bổng loại A1, gấp nhiều lần mức bình thường trong khi ở lớp, cạnh tranh loại A không hề dễ khi chỉ có khoảng 20-30%. Đó là hệ quả khi dành đam mê cho Toán và sự chủ động tự tạo cơ hội cho mình đối với bản thân tôi.
Có một lần ngày còn là sinh viên năm nhất, tôi thấy có một tạp chí mà giới trẻ đọc rất nhiều nhưng thường những bài viết lại có gì đó uỷ mị, sướt mướt. Thế là tôi quyết chí thổi một làn gió mới bằng việc gửi bài viết của mình nhưng với những góc nhìn tích cực hơn, lạc quan hơn nhiều trong chuyên mục viết về tình yêu đôi lứa. Thật bất ngờ, sau đó toà soạn nhắn tin cho tôi đến nhận nhuận bút. Mặc dù tôi không đến nhận vì sau đợt đó tôi đi làm và không viết nữa nhưng tôi lại nhận ra một điều: phần thưởng là hệ quả của một mong muốn tốt đẹp kèm theo một hành động tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Khi trở thành Trainer, chia sẻ trong những khoá học kĩ năng mà học phí không hề rẻ một chút nào, ê kip của chúng tôi thành thật mà nói thì số tiền doanh thu không hề nhỏ, đương nhiên những khoản tiền abcxyz nhận được chỉ là sự ghi nhận tất yếu cho những giá trị mình tạo ra tới mọi người. Nhưng có một sự thật là con đường đến hành trình đó, tôi chưa bao giờ đưa mục tiêu tiền lên hàng đầu. Vẫn nhớ ngày học THPT, mặc dù tôi rất tự hào mình là dân chuyên của một ngôi trường top đầu cả nước, nhưng tôi vẫn thấy mình thiếu thiếu điều gì đó. Tôi vẫn thấy cuộc sống mình có gì đó chưa thực sự trọn vẹn, và thế là tôi đi kiếm tìm. Hành trình sau này, khi lan toả giá trị tới những người trẻ như tôi, tôi dần dần trả lời được câu hỏi đó bởi đó cũng là khi tôi dần hoàn thiện mình và tiếp tục giữ ngọn lửa để đi truyền cảm hứng.
Nhưng sự thật lại nằm ở chỗ này: để có đủ kinh nghiệm đứng vững trong các khoá học kĩ năng thì tôi cần tích luỹ lượng nhất định về số giờ đứng trên sân khấu. Mà hoá ra, những giờ đó lại đến được từ những lần tôi chia sẻ cộng đồng, những lần tôi làm tình nguyện. Tôi vẫn nhớ có những thầy cô, bạn bè đề nghị chia sẻ ở trường, ở lớp nào đó và họ rất rõ ràng khoản chi phí đào tạo, chúng tôi luôn giữ một nguyên tắc: lần đầu tiên chia sẻ sẽ là cho đi, và làm miễn phí. Có lần làm chương trình cho sinh viên, tôi nói thẳng với các bạn rằng hội thảo này tôi train, khoá học này tôi tạo ra, công ty đều không trả tiền cho tôi. Nhưng tôi vẫn quyết liệt làm, là bởi vì tôi thực sự muốn lan toả giá trị tới các bạn. Nhưng sau những lần đó, khi tôi tích đủ về lượng đó thì việc tôi đứng trên sân khấu của những chương trình đào tạo trả phí là điều tất yếu.
Kết nối lại các sự kiện tôi chợt nhận ra rằng để mình giữ được lửa thì luôn phải sống vì một mục đích gì đó cao hơn là việc kiếm tiền. Mặc dù tôi luôn nói với mọi người rằng đừng phụ thuộc vào động lực, bởi động lực đến rồi đi nhưng không hiểu sao trong con người tôi luôn có một ngọn lửa âm ỉ cháy. Có lẽ, đó là bởi vì tôi bấy lâu nay, được may mắn sống với một khát khao, được làm việc với một điều gì đó còn quan trọng hơn cả là những đồng tiền.
Ngày đi làm, tôi sẵn sàng làm việc ngay cả khi lương thấp để được làm công việc mình yêu thích, và để được học hỏi kinh nghiệm cho bản thân mình. Ngày đó, tôi đã từng nghĩ rằng, mình đang được làm công việc mình rất tâm huyết, nếu lỡ chẳng may một ngày bị đuổi việc vì một lí do gì đó thì sao. Là một người trẻ nên tôi luôn tin vào con đường mình đi, và luôn dồn mọi tâm huyết vào điều đó. Vậy nên tâm lí tôi rất thoải mái rằng nếu lỡ chẳng may thực sự tôi mất việc thì tôi sẽ vẫn theo đuổi giá trị sống của mình. Việc đầu tiên sẽ là tìm một căn nhà nhỏ đỡ tốn tiền thuê, sau đó kiếm mấy thùng mỳ tôm về đủ sống qua ngày. Sau đó hàng ngày vẫn đọc sách, vẫn tự học, vẫn viết lách, vẫn nghiên cứu những sản phẩm để lan toả giá trị tới cộng đồng và chờ đợi cơ hội để tiếp tục đi theo con đường của mình.
Và điều thứ hai khi kết nối lại những sự kiện, quan trọng hơn: tôi luôn nỗ lực cho đi là bởi vì tôi cũng đã từng được nhận rất nhiều. Mà đặc biệt là được nhận những thứ, từ những người mà mình không thể trả được. Vậy nên, thay vì ghi nhớ họ để “trả nợ” họ, tôi hiểu ra rằng hãy trân trọng sự cho đó bởi mình sao trả được, và tốt hơn hãy trả bằng cách cho đi thật nhiều. Có lần có đứa em cứ muốn “trả” tôi, tôi bảo thằng “Anh giúp thì mày cứ cảm ơn đi, chứ chưa đủ tuổi để “trả” anh đâu, điều quan trọng là khi trưởng thành thì hãy biết cách đi giúp cả những người khác“.

Ngoài kia, nhiều người lắm, bị thương vì đang trong vòng lặp mỳ ăn liền. Cứ nghĩ suy hoài làm sao có tiền làm sao có tiền, làm sao có cái nọ có cái kia mà không đặt câu hỏi ngược lại. Để sống, ai cũng cần những nhu cầu cơ bản, ai cũng nghĩ về những lợi ích. Nhưng khi gạt tất cả những thứ đó sang một bên và hãy đặt câu hỏi: mình làm được gì cho đời, mình tạo được giá trị gì cho người khác, mình tự lớn lên như thế nào sau mỗi ngày, thì những thứ như vật chất – chỉ là hệ quả mà thôi.

Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.