Điểm thái độ ...




Bạn có thể cực kỳ siêng năng, bạn có thể có một trình độ học vấn tuyệt vời, nhưng điều quan trọng nhất là: thái độ của bạn được bao nhiêu điểm?

Cuộc phỏng vấn cuối cùng rồi cũng kết thúc. Ba nhà tuyển dụng chúng tôi cùng bàn bạc với nhau để đưa ra quyết định cuối cùng: Ai là ứng viên xứng đáng được nhận vào công ty nhất.
Mary nghĩ rằng nên chọn Sam. Cô hào hứng nói với Mark và tôi:
- Trình độ học vấn của anh ta thật tuyệt vời! Chỉ cần nhìn vào những bằng cấp và chứng chỉ của Sam thì cũng thừa biết anh ta có đủ kiến thức để đảm nhận công việc này.
Nhưng Mark lại chọn Ellen. Anh mạnh mẽ trình bày quan điểm của mình:
- Như mọi người đã biết, kinh nghiệm làm việc và thành tích trong hồ sơ của Ellen cũng đã cho thấy đây là một người siêng năng. Thông qua phỏng vấn cũng như tham khảo ý kiến của những người đã từng trực tiếp quản lý Ellen, tôi kết luận điều đó là sự thật. Ellen quả là ứng viên mà chúng ta đang cần. Một người không sợ nhiều việc!
Tôi im lặng nghe Mary và Mark tranh luận với nhau. Cuộc tranh luận có vẻ không kết thúc nổi vì đôi bên khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. Rốt cuộc họ quay sang hỏi tôi:
- Anh nghĩ sao, Robert? Theo anh, một người có học vấn cao hay là người siêng năng sẽ xứng đáng được nhận vào công ty hơn?
Tôi mỉm cười mềm mng đáp:
- Học vấn và sự siêng năng đều hết sức quan trọng! Thế nhưng, theo tôi, hai anh chị đã bỏ qua một yếu tố khác …
Mary và Mark chưng hửng nhìn tôi như thể đầu óc tôi đã bị… chập mạch vì làm việc quá căng thẳng. Tôi bình tĩnh giải thích:
- Học vấn là điều không thể thiếu, đúng vậy. Nhưng kiến thức vẫn có thể được bổ sung bất cứ lúc nào! Siêng năng là một phẩm chất hết sức cần thiết nhưng nếu một người chỉ biết làm việc và làm việc mà không nhận ra được điều gì có thể cải thiện hoặc không thể tìm ra một phương pháp làm việc thông minh hơn thì người đó cũng chẳng đem lại lợi ích cho chúng ta.
Nhìn khuôn mặt của đồng nghiệp, tôi biết họ đang nghĩ giá mà đừng mời tôi cùng tham gia đợt tuyển dụng này. Chúng tôi đã mất ba ngày ròng rã để phỏng vấn các ứng cử viên lọt vào vòng cuối cùng. Mary và Mark cũng đã cân nhắc rất kỹ để chọn ra được hai ứng viên xuất sắc nhất. Thể mà tôi lại gạt bỏ cả hai!
Tôi phát biểu:
- Theo tôi, Ruth sẽ là người xứng đáng nhất cho vị trí này!
Mark và Mary sửng sốt nhìn nhau nhưng tôi khoát tay:
- Để cho tôi nói đã. Lý do tôi chọn Ruth là vì thái độ của cô ta.
- Vì thái độ?! – cả Mary và Mark cùng la lên.
- Đúng vậy, thái độ! – tôi lặp lại.
Và nói:
- Xin vui lòng nghe tôi giải thích đã! Ruth có một trình độ học vấn tốt, tất nhiên là không bằng Sam, tôi đồng ý với chị Mary. Thế nhưng những câu trả lời phỏng vấn của Ruth cho thấy cô ta là mẫu người sẽ tìm kiếm một phương pháp làm việc tốt hơn thay vì chỉ biết hì hục làm việc. Người có thái độ làm việc khôn ngoan khác xa với người chỉ biết làm việc để rồi bị lún sâu trong một đống công việc đến nỗi không thể nhìn xa hơn, cao hơn những gì mình đang làm. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi là thái độ của Ruth. Đọc rất kỹ hồ sơ và trực tiếp phỏng vấn Ruth, tôi có thể khẳng định cô ta có một thái độ hết sức tích cực và khả năng ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh.

Tôi nhấn mạnh:
- Hẳn hai anh chị cũng đồng ý với tôi rằng công ty đang cần tìm một người có thể nhìn thấy chúng ta đang làm gì và làm như thế nào, một người biết đặt câu hỏi “tại sao” và biết cách tìm ra giải pháp tốt nhất. Trong thời đại ngày nay, khi mà mọi thứ đang thay đổi nhanh đến mức chóng mặt làm phá vỡ rất nhiều quan niệm truyền thống, nhất là với công việc mà chúng ta đang tuyển người thì phẩm chất nói trên của Ruth là cực kỳ đắt giá.
Mark có vẻ đồng ý với tôi nhưng Mary thì vẫn do dự. Cô vẫn bị trình độ học vấn tuyệt vời của Sam “mê hoặc”. Tôi liền bồi thêm một “đòn quyết định”:
- Chị Mary này, chị có thể dạy ai đó một hệ thống lý thuyết nhưng chị gần như không thể dạy người đó có một thái độ tốt! Hơn nữa, trong thời đại thông tin này, những kiến thức cũ chẳng là gì cả so với những ý tưởng mới. Và bằng cấp cũng không quan trọng bằng tài năng và nội lực thật sự!
Mary ngồi im lặng ngẫm nghĩ. Rồi đột nhiên cô hào hứng nói:
- Anh làm tôi nhớ đến bà ngoại mình. Có lần từ lâu lắm rồi, bà đã dạy tôi một điều mà thật tình từ lâu nay tôi đã quên mất. Nhưng nghe anh nói, tôi bỗng nhớ lại tất cả. Để tôi chia sẻ với hai người cách suy nghĩ của bà tôi…
Mary đứng dậy viết 26 chữ cái lên tấm bảng. Mark và tôi nhìn nhau khó hiểu. Mary thản nhiên nói tiếp:
- Nếu đánh số thứ tự các chữ cái thì sẽ như thế này:
A… B… C… D… E… F… G… H… I… J… K… L… M… N… O… P… Q… R… S… T… U… V… W… X… Y… Z
1… 2… 3… 4… 5… 6… 7… 8… 9… 10… 11… 12… 13… 14… 15… 16… 17… 18… 19… 20… 21… 22… 23… 24… 25…26
Liếc nhìn hai khuôn mặt ngơ ngác của chúng tôi, Mary mỉm cười viết tiếp:
KNOWLEDGE (kiến thức) gồm:
K=11 N=14 O=15 W=23 L=12 E=5 D=4 G=7 E=5
Tổng cộng là 96 điểm.
HARDWORK (siêng năng) gồm:
H=8 A=1 R=18 D=4 W=23 O=15 R=18 K=11
Tổng cộng là 98 điểm.
ATTITUDE (thái độ) gồm:
A=1 T=20 T=20 I=9 T=20 U=21 D=4 E=5
TỔNG CỘNG LÀ 100 ĐIỂM!
Thật là một cách diễn tả tuyệt vời! Tôi biết ngay là không cần phải giải thích gì thêm nữa với Mary về tầm quan trọng sống còn của thái độ. Bà ngoại của cô ấy đã làm điều đó một cách thật ấn tượng và độc đáo. Cả ba chúng tôi cùng cười vui vẻ và đồng ý với nhau rằng Ruth là ứng viên xứng đáng được nhận vào công ty nhất!
Bạn có thể cực kỳ siêng năng, bạn có thể có một trình độ học vấn tuyệt vời, nhưng điều quan trọng nhất là: thái độ của bạn được bao nhiêu điểm?


Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.