Cùng nhau mở rộng chân trời kiến thức Chia sẻ để thấu hiểu!

6 Tư duy lối mòn và cách thay đổi chúng ...

Nhà văn Charles R. Swindoll đã từng nói: “Cuộc sống bao hàm 10% những gì xảy ra với bạn, và 90% cách bạn phản ứng với chúng.” Chúng ta không thể thay đổi thực tế rằng cuộc sống sẽ có lúc vui, lúc buồn, và đôi khi suy nghĩ tiêu cực đã trở thành thói quen khó bỏ. Trong bài viết này, mời bạn cùng Wall Street English tìm hiểu 6 kiểu tư duy lối mòn phổ biến, và những gợi ý hiệu quả để thoát khỏi chúng.

6 tư duy lối mòn thường thấy
1. Tư duy vòng tròn luẩn quẩn
Biểu hiện của lối tư duy này là mỗi khi gặp vấn đề, “khổ chủ” thường nhốt mình trong sự khó chịu, không tìm cách giải quyết, cũng không muốn bỏ qua. Càng ngày, vấn đề họ gặp phải lại trầm trọng hơn lúc ban đầu, khiến họ cảm thấy cuộc sống của mình dần đi vào bế tắc.

2. Tư duy cực đoan hóa
Biểu hiện dễ thấy của kiểu tư duy này là hay phóng đại và nghiêm trọng hóa vấn đề. Người mắc kiểu tư duy này thường dùng những từ như “luôn luôn”, “không bao giờ”… Ví dụ như chỉ vì một chuyện không hay xảy ra trong chuyến du lịch, họ sẽ nghĩ chuyến đi đó thật tệ hại, không đáng để thử thêm lần nữa.

3. Tư duy trắng – đen
Tư duy trắng – đen khiến chúng ta nhìn cuộc sống chỉ vui hoặc buồn; mọi người ta gặp chỉ tốt hoặc xấu, quyết định đưa ra chỉ đúng hoặc sai. Mặc dù lối tư duy này cũng có điểm tích cực, giúp ta sống rõ ràng hơn, nhưng thực tế là cuộc sống được quyết định bởi vô vàn yếu tố, vì vậy chỉ quan tâm đến 2 khía cạnh như vậy vô hình chung khiến thế giới quan của mỗi người trở nên hạn hẹp.

4. Tư duy sống theo kỳ vọng
“Nạn nhân” của nó mặc định rằng nhiệm vụ của mình là phải sống đúng với kỳ vọng của những người xung quanh (gia đình, người yêu, xã hội,…). Thế là họ trở thành kỹ sư, trong khi thật tâm lại muốn làm… vũ công, hay chấp nhận ở nhà chăm sóc chồng con, dù đã có lúc họ muốn thấy mình tung hoành ở một tập đoàn đa quốc gia, học hỏi từ các đồng nghiệp và đối tác đến từ khắp nơi trên thế giưới.
5. Tư duy gắn mác
Đây là lối tư duy để cảm xúc chi phối mọi đánh giá, dựa trên ấn tượng ban đầu đề quy kết tính chất của mọi người, mọi việc. Ví dụ điển hình là: “Người có hình xăm chắc chắn là không đàng hoàng”, hay “Người không đọc nhiều sách chắc chắn là suy nghĩ rất nông cạn”. Người có lối tư duy này cũng tự gắn mác cho mình và có thể trở nên quá tự ti hoặc quá tự cao, tùy trường hợp.

6. Tư duy vùng an toàn
Biểu hiện của kiểu tư duy này là suy nghĩ “những thứ tốt đẹp đều nằm ngoài tầm với, thôi thì tốt nhất cứ nên bằng lòng với những gì đang có là được rồi.” Tất nhiên, biết hài lòng với thực tại là điều tốt, cho đến khi nó trở thành cái cớ để bạn trì hoãn mọi thứ. Ví dụ, bạn nghĩ trình độ tiếng Anh “lôm côm” như mình thì đời nào có cơ hội được làm trong các tập đoàn nước ngoài, và bạn tự nhốt mình trong công việc nhàm chán, vô vị hiện tại vì những lằn ranh tự tưởng tượng ấy.

Vậy trước vô vàn suy nghĩ lối mòn trong cuộc sống như thế, liệu bạn đã sẵn sàng cho một thay đổi đáng kể? Và bạn cần làm gì để đến được một cái đích mới?

Cách thay đổi tư duy lối mòn
1. Gọi đúng tên vấn đề
Nếu đang cảm thấy cực kỳ ổn với cuộc sống hiện tại, có lẽ bạn không cần phải đọc tiếp đoạn này. Nếu không, hãy thành thật với chính mình và nghĩ kĩ xem, bạn thường rơi vào kiểu tư duy nào ở trên? Bạn có THẬT SỰ muốn và sẵn sàng phá vỡ lối mòn đó trong tư duy của mình chưa?

2. Nhận biết khi nào bạn đang tư duy theo lối mòn
Sau khi định hình nhu cầu thay đổi, bước tiếp theo bạn sẽ cần quan sát bản thân những khi có xu hướng tư duy theo lối mòn. Ví dụ, bạn có thể suy nghĩ rất sáng tạo trong công việc nhưng lại luôn cứng nhắc trong quan hệ xã hội. Ngược lại, bạn năng nổ, vui vẻ khi đi du lịch, nhưng luôn rúc vào vùng an toàn khi nghĩ về sự nghiệp. Nhận biết môi trường, thời điểm, hoàn cảnh giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về sự thay đổi mà mình mong muốn.

3. Thời gian và hành động là chìa khóa
Cuối cùng, hãy để mọi chuyện diễn ra tự nhiên: hãy cứ rơi vào kiểu tư duy cũ, rồi từ từ thay đổi từng chút một. Rất nhiều bạn thường mang tâm lý “lò vi sóng”, chỉ muốn thay đổi được ngay (như bỏ thức ăn vào hâm 1 phút là nóng ngay lập tức) nên mãi chẳng tiến xa hơn được. Như ví dụ về tâm lý “ tôi không thể làm công ty nước ngoài vì tôi yếu tiếng Anh” đề cập ở trên, hãy kiên trì dành tầm 6 tháng – 1 năm để học ngoại ngữ, nâng cao năng lực. Chỉ cần nhẫn nại, bạn sẽ đến được ngày nhận ra chân trời mới sau khi đã dũng cảm gạt bỏ tư duy lối mòn thật sự rất đáng đồng tiền bát gạo.  



Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.