Quản lý & hoàn thiện bản thân trong công việc: Dễ hay Khó?

Ai cũng muốn được hoàn thiện bản thân và được mọi người thừa nhận năng lực, kế tiếp là được đánh giá cao. Nhưng làm cách nào?
Có người bạn chia sẻ với tôi: công việc nhiều quá, đuối sức quá, lương lại không cao, có cảm giác cái công việc này nó như đang vắt kiệt sức mình, không biết có nên nghỉ làm không?.

Tôi chẳng khuyên gì bạn nhiều, tôi chỉ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm tôi đã trải qua cũng như những suy nghĩ của riêng tôi, nếu bạn tinh ý, đó cũng có thể được ngầm hiểu như những lời khuyên.

Hành trình hoàn thiện bản thân luôn có nhiều thử thách
Những thách thức trong công việc & sự nghiệp
1. Tôi từng bị lạc lõng trong tập thể lớn với những lời cảnh báo về việc đồng nghiệp khó hòa nhập. Công việc mới chưa từng có kinh nghiệm trước đây nên trong quá trình làm việc lại nhận thêm những lời cảnh báo khác. Tôi tiếp nhận hết mọi luồng thông tin phản hồi về mình, lắng nghe một cách có chọn lọc. Những gì còn thiếu sót thì tôi không ngại tiếp thu và sửa đổi. Những nhận xét thiên về cảm tính con người thì tôi không ngại thể hiện chính kiến riêng ở mức độ khéo léo và thắng thắn vừa phải.
2. Những gì tôi đạt được ngày hôm nay: được mọi người yêu mến và tin dùng; là kết quả được kết tinh từ những nỗ lực chứng minh được và nhìn thấy được. Điều đó hiển nhiên không thể diễn ra ngày một ngày hai, mà đó là cả một quá trình hoàn thiện bản thân để chứng minh năng lực của mình cho mọi người xung quanh. “Làm việc hiệu quả & tin vào chính mình” chính là những bí quyết của tôi.
3. Tôi đã từng trải qua cảm giác của bạn: công việc nhiều nhưng thu nhập không tương xứng. Tôi cũng đã từng cầm đơn đi xin việc nơi khác với mong muốn có được mức lương cao hơn. Tôi thấy rằng: để xin việc lương trung bình thì không khó, nhưng để có được sự kì vọng mình mong muốn thì không dễ chút nào. Nhìn vào chặng đường đã qua và những mong muốn cá nhân, tôi tự nhủ phải nghiêm túc nhìn lại những gì mình đã và đang đạt được: kiến thức mới, công việc yêu thích, những trải nghiệm du lịch, công việc trong phạm vi kiểm soát linh động và tổng mức thu nhập không phải là không chấp nhận được. Tôi tự nhủ, nếu mình nhìn thấy được những điểm tích cực mà công việc mang lại, mình sẽ thôi việc đang đứng núi này trông núi khác.

Phải biết vượt qua những chông gai và thử thách để hoàn thiện bản thân
4. Thật tình vẫn còn nhiều cơ hội và thách thức tôi muốn mình trải nghiệm nhiều hơn ở cái nơi tôi đang gắn bó. Vì nếu chỉ nhìn vào bề nổi và những thành tựu nhỏ bé trước mắt thôi mà đã tự thỏa mãn và tự kiêu thì quả thật tôi quá phiến diện và tự phụ. Nếu nhìn xa hơn ra xung quanh, bạn bè và những tấm gương thành công mà tôi ao ước; sự kiên trì và thủy chung của họ chính là chìa khóa cho mọi thành công mà họ có được. Vài năm kinh nghiệm ở một vị trí công việc nào đó mới đáng nói, chứ vài tháng hay thậm chí một năm mà bạn đã mất kiên nhẫn vì việc khó, nhiều, bất công thì quả thật, bạn mới là vấn đề. Những lúc như vậy, tôi thường tự hỏi mình muốn gì? Mục tiêu của mình là gì? Có phải mình là loại người không có khả năng vượt khó? Liệu với tính cách như vậy, mình sẽ thành công ở môi trường khác?
5. Tôi cũng đặt ra cho bạn tôi những câu hỏi như: bạn có yêu cái nghề bạn đang theo đuổi không? Bạn có hiểu được tính chất nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi không? Đồng nghiệp và cấp trên của bạn chắc hẳn cũng bộn bề công việc; và để leo lên được vị trí cấp cao ấy, hẳn họ cũng đã từng trải qua vị trí như bạn bây giờ. Liệu bạn có thể nhìn vào họ để tiếp thêm động lực? Sự ra đi và từ bỏ bao giờ cũng dễ. Nhưng để trụ vững, nâng tầm bản thân, cải thiện khả năng vượt khó, khả năng chinh phục các thử thách khi bạn còn trẻ mới là điều đáng nói. Suy nghĩ tốt hay xấu là tại tâm. Nếu bạn có được những suy nghĩ tích cực, rằng tất cả những gì bạn đã, đang và sẽ trải qua chính là những quyền lợi và cơ hội của bạn thì nó chính là như vậy. Con đường dẫn lối đến thành công bao giờ cũng cần phải trải qua từng giai đoạn; nhiều khi chúng ta không thể đi tắt, đón đầu nếu như chưa được chuẩn bị đầy đủ mọi hành trang.
6. Tôi cũng chia sẻ với bạn tôi những trường hợp đồng nghiệp của tôi luôn kêu ca là họ nhiều việc. Khi phân tích cái sự nhiều việc của đồng nghiệp và so sánh với công việc tính chất tương đương tôi phải làm hằng ngày, tôi thấy chẳng có gì gọi là nhiều. Phải chăng những con người luôn ca thán với mọi người rằng mình nhiều việc, thực chất họ không biết cách quản lý thời gian và quản lý khối lượng công việc của bản thân?
Có một câu nói của ai đó mà tới tận bây giờ tôi vẫn rất tâm đắc: “Gởi cho những ai đang cảm thấy mình đang rất vất vả trong công việc: Thử đeo một đồng hồ bấm giờ vào một ngày làm việc. Mỗi lần bạn bắt đầu làm việc, bấm đồng hồ, rồi mỗi khi ngưng làm việc – để uống nước, tán chuyện, mơ mộng nhìn trời – bấm ngưng đồng hồ. Đến cuối ngày, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng số giờ làm việc hiệu quả rất ít, thế mà bạn lại có cảm giác mình làm việc vất vả suốt ngày. Thời gian thực hiện hiệu quả nhất là khi bạn hoàn thành sớm công việc và còn thời gian quay lại để hoàn thiện thêm. Như vậy tốt hơn là rối rít làm xong ngay trước hạn chót. Nhìn chung, nếu có thể dành thời gian để đánh bóng thêm cho công việc, bạn sẽ có cơ hội vượt trội. Có một câu nói đùa: Nếu muốn làm xong việc gì, hãy nhờ người bận rộn”.
Quản lý & hoàn thiện bản thân: Dễ hay Khó?
Câu trả lời của tôi là dễ mà khó. Nếu bạn vẫn còn loay hoay không biết con đường mình đi là hướng nào, bằng phương tiện gì thì đó quả thật là khó khăn. Nhưng nếu bạn hiểu bạn muốn gì, khả năng của bạn tới đâu, tư duy, kiến thức và nhận thức của bạn rõ ràng và đầy đủ như thế nào thì sẽ là dễ dàng. Sự hoàn thiện bản thân là việc cần làm suốt đời. Chúng ta không cần phải vội vàng “hoàn hảo” khi chúng ta chưa đến độ tuổi thích hợp. Chúng ta nên “hoàn hảo” theo từng giai đoạn, với những mức độ “hoàn hảo” khác nhau.
Việc quản lý bản thân & quản lý khối lượng công việc để đạt được mục tiêu cần phải có một số kỹ năng nhất định. Kỹ năng hoàn toàn có thể được trau dồi qua việc quan sát và học hỏi. Tuy khả năng tiếp thu và phát triển các kỹ năng ở mỗi người mỗi khác nhưng đều không quan trọng bằng việc bạn thể hiện được sự cầu tiến của bản thân như thế nào. Sẽ có những công việc & môi trường làm việc thích hợp dành riêng cho bạn. Sẽ có những thời khắc bạn leo lên được vị trí mà bạn xứng đáng có được. Tuy nhiên, nếu mọi thứ vẫn chưa xảy ra với bạn sau khi bạn đã chịu khó và cố gắng rất nhiều, lúc đó bạn hãy cân nhắc một hướng đi mới. Nhưng nếu bạn vẫn chưa cố gắng hết mình, hãy xem lại bản thân.
(Bài viết của Giang Gina)



Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.