“Thành
công” đối với một người mà nói là điều không quá khó, nhưng “thành thục”
(trưởng thành) lại là điều rất khó có người làm được và sự trưởng thành trong
tâm lại càng khó hơn.
Thành công khiến một người tự tin nhưng quá nhiều thành
công sẽ khiến một người dễ dàng tự phụ. “Thành thục” (trưởng thành) thì không
như vậy. Người trưởng thành không quá để tâm vào được mất, hơn thua, lý trí mà
không mất đi sự nhiệt huyết, bình tĩnh với tâm thái thong dong. Họ có thể bình
tĩnh đối mặt với thất bại trước mắt và thản nhiên khi đối mặt với sinh tử.Một người có trưởng thành (thành thục, chín chắn) hay không thực ra không phụ thuộc vào độ tuổi của người ấy là lớn hay nhỏ. Có những người tuổi đã cao nhưng cách hành xử và những suy nghĩ trong tâm của người ấy vẫn hời hợt, thậm chí trống rỗng. Nhưng có những người tuy còn trẻ tuổi nhưng lại rất chín chắn, suy nghĩ cân nhắc thấu đáo, kỹ càng.
Sự trưởng thành, sự hoàn thiện của tâm tính không phải được quyết định bởi người đó gặp bao nhiêu sự tình mà nó được thể hiện ra ở thái độ và cách mà người ấy đối đãi với sự tình ra sao.
Trưởng thành là một quá trình dài lâu chứ không phải chuyện một sớm một chiều. Nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự tu dưỡng tâm linh của người ấy. Điều đó cũng là lý do lý giải vì sao những người càng trưởng thành (thành thục, chín chắn) thì thường càng ôn hòa và tĩnh lặng. Một người có thể tu dưỡng được bốn phẩm chất dưới đây thì đã là một người trưởng thành:
Biết kiểm soát bản thân
Người xưa có câu: “Nổi giận là bản năng, kiểm soát nóng giận là bản lĩnh”. Con người ở vào lúc nóng giận sẽ không có lý trí, nói những lời làm tổn thương người khác, nhẹ thì làm tổn thương hòa khí hai bên, nặng thì sẽ mang đến điều bất hạnh.
Một người có cảm xúc ổn định thì vẻ mặt thường sẽ ôn hòa khiến người khác dễ chịu giống như được một cơn gió mát thổi qua, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Trái lại, một người động một chút là nổi giận thì sẽ giống như cơn giông tố, ai ai vừa gặp cũng đều trốn tránh. Đây là biểu hiện dễ thấy nhất ở người chưa trưởng thành.
Người có tư tưởng bi quan thì tinh thần sẽ sa sút, nhìn vấn đề sẽ luôn nhìn thấy mặt không tốt, nghĩ sự việc gì cũng nghĩ đến mặt không thành công, thường tự cảm thấy bản thân không bằng người khác. Đây cũng là một dạng tâm thái của người chưa trưởng thành.
Người trưởng thành hiểu rằng, ông trời sinh ra ai thì người đó tất sẽ có hữu dụng. Mỗi người đều có ưu điểm nổi trội của riêng mình. Phát huy ưu điểm của bản thân, thực sự đặt tâm vào làm những việc mình có khả năng, sau một thời gian sẽ có thể thành công.
Biết khoan dung và hiểu người khác
Có lẽ chỉ có người đã từng trải qua những thương tổn mới có thể thực sự trưởng thành, hiểu và khoan dung người khác. Một người trưởng thành sẽ không bao giờ tùy tiện phán xét người khác. Họ luôn hiểu được rằng mỗi một người đều không hề đơn giản như những gì thể hiện ra ở bề mặt, hơn nữa ai cũng có ưu khuyết điểm riêng.
Một người khi càng thành thục họ sẽ càng hiểu hơn rằng, sống trên đời cần khoan dung bản thân, khoan dung người khác, thậm chí khoan dung với cả kẻ thù của mình. “Biển có thể thu nạp trăm sông, dung chứa được nên mới thành ra to lớn”, khoan dung với lỗi lầm của người khác thực ra cũng là giải thoát cho chính mình.
Biết sống lý trí và nhiệt tình
Một người trưởng thành ngay cả khi đã nhìn rõ “bộ mặt thật” của thế giới, của xã hội, cuộc sống nhưng vẫn nhiệt tình yêu cuộc sống. Đó là bởi vì họ đã thấu hiểu thế nào là lý tính và và cảm tính.
Con người sống trong xã hội thông thường đều là có nhận thức cảm tính. Họ dễ dàng bị tình cảm chi phối, họ chỉ nhìn hình tượng của sự vật mà không nhìn bản chất của sự vật. Người như vậy rất dễ bị hình tượng bên ngoài của sự vật làm mê mờ, từ đó sinh ra rất nhiều thống khổ và phiền não.
Bởi vậy, con người cần có năng lực nhìn thấu bản chất của sự vật, hiện tượng. Loại năng lực này là dựa vào sự lý trí của mỗi người. Người trưởng thành nhất định sẽ có lý tính (lý trí). Tuy nhiên, một người không thể lý trí quá độ, bởi vì như vậy sẽ sinh ra ích kỷ và tuyệt tình. Cho nên, con người cũng cần phải duy trì sự nhiệt tình đối với cuộc sống. Sự kết hợp giữa lý trí và sự nhiệt tình giúp một người thực sự trưởng thành.
Biết buông bỏ và quý trọng
Có câu nói rất hay rằng: “Con người sống đều là đang “vác nặng” mà tiến về phía trước.” Con người khi đến một độ tuổi nhất định cần phải học được cách buông bỏ những gì cần buông bỏ và giữ lấy những gì nên quý trọng.
Người trưởng thành cần phải “ném bỏ” một số loại “đồ vật” trên hành trang của mình, như những người bạn “hư tình giả ý”, những “thú vui” rượu chè vô nghĩa, những câu chuyện phiếm vô dụng… Thay vào đó, phải biết nắm giữ và trân quý sự tự tin, tấm lòng lương thiện, khiêm tốn, giản dị…
Trưởng thành, chín chắn là một loại yêu cầu và hoàn thiện đối với tự bản thân mỗi người. Nó cũng là một loại thể nghiệm và suy ngẫm lại đối với bản thân mỗi người. Đồng thời nó cũng là một loại trạng thái của sinh mệnh. Trong quá trình đi đến trưởng thành, mỗi người đều sẽ phải trải qua rất nhiều điều, nhưng cũng sẽ học được rất nhiều điều. Cho dù con đường ấy xa bao nhiêu, nhiều chông gai thế nào chỉ cần mỗi bước đi chúng ta đều trưởng thành hơn thì đã là thành công rồi.
Đăng nhận xét