Cùng nhau mở rộng chân trời kiến thức Chia sẻ để thấu hiểu!

VSC - Bài học đầu tư từ kinh doanh từ "Thần Tài" Phạm Lãi

Theo thông lệ dân gian, mùng 10 hàng tháng là ngày vía ông Thần Tài. Lướt qua các trang báo mạng thấy người Sài Gòn đổ xô đi mua cá lóc nướng trui để cúng thần Tài. Trong đạo Phật không có nhắc đến thần Tài, Thổ Địa… Nhưng nhiều người lại lầm tưởng tục này xuất phát từ đạo Phật. Thậm chí chính những người Phật tử thờ cúng và "nịnh" thần tài bằng vô số lễ vật như số đông.

  1. Nguồn gốc của Ông Thần Tài

Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì Thần Tài là nhân vật lịch sử Phạm Lãi, ông là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn. Ông là một trong những vị thần hết lòng phò tá vua Việt Vương trong cơn hoạn nạn.

Sau khi phò tá vua dẹp yên nước nhà, Phạm Lãi đã cùng người yêu là Tây Thi bỏ chốn quan trường về ở ẩn. Từ đó, Phạm Lãi trở thành một nhà thương buôn thành đạt và giàu có nổi tiếng nên được người đời gọi là Đào Công và được tôn là Thần Tài.

Từ đó, người dân cứ mùng 10 Tết lại thờ cúng ông để cầu mong cả năm sung túc tiền tài đầy nhà.

 

Về sự tích khác của ngày vía Thần Tài, dân gian có lưu truyền lại câu chuyện khá thú vị. Tục truyền rằng, dưới trần gian xưa kia không có Thần Tài, bởi vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc sống ở trên trời.

Trong một lần đi chơi, Thần Tài uống rượu say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá, nằm mê mệt không biết gì. Có kẻ đi qua thấy một người ăn mặc như diễn tuồng thì lấy làm lạ, tưởng ông bị điên liền lột sạch trang phục đem bán.

Thần Tài tỉnh dậy phát hiện đã bị mất quần áo lại không nhớ mình là ai, đành phải đi lang thang xin ăn khắp nơi. May thay khi Thần Tài đến một cửa hàng bán gà, lợn quay ế ẩm để ăn xin thì chủ quán thương tình đã cho vào.

Song điều kỳ lạ là từ lúc vị khách không mời này đến, đột nhiên lượng khách vào quán ăn tấp nập hẳn ra. Chủ quán ngẫm nghĩ một hồi bèn cho rằng đó là nhờ vía tốt của người ăn mày kia. Chính vì vậy, những ngày hôm sau, chủ quán tiếp tục mời Thần Tài ghé quán ăn, quả nhiên hễ ông đến là sau đó khách khứa ùn ùn kéo tới.

Từ đó, ngày nào chủ quán thịt quay cũng mời Thần Tài đến hàng mình. Lâu dần, hàng ăn xung quanh đều vắng khách, duy chỉ có quán này lúc nào cũng đông như trẩy hội.

Một thời gian sau, thấy Thần Tài chẳng làm gì vẫn suốt ngày ăn ngon, người ngợm thì bẩn thỉu, toàn dùng tay ăn bốc trông rất bất lịch sự, chủ quán vừa tiếc của vừa sợ khách khác chê không dám đến, bèn đuổi Thần Tài đi.

Quán đối diện thấy vậy liền nắm lấy cơ hội, mời Thần Tài vào ăn, quả nhiên sau đó, khách khứa lại lũ lượt kéo sang quán này. Chẳng bao lâu, người nọ rỉ tai người kia, bảo rằng người đàn ông kỳ lạ kia chính là phúc tinh mang đến may mắn cho bất cứ hàng quán nào mời được ông. Vì thế, các chủ quán ra sức chèo kéo để lấy lòng ông.

Một hôm, có người dẫn Thần Tài đi mua quần áo mới. Trùng hợp là tại cửa hàng, ông nhìn thấy bộ triều phục trước đây của mình bị mất nên đã nhớ lại mọi chuyện bèn vội vàng mặc quần áo rồi lập tức bay về trời. Khi đó, người dân mới biết ông chính là Thần Tài.

Biết ơn thần đã mang may mắn đến cho người dân trong vùng đồng thời nuối tiếc vì không thể giữ chân thần ở lại lâu hơn, dân trong vùng bèn lập bàn thờ phụng. Họ chọn ngày thần bay về trời (được cho là mùng 10 tháng Giêng) làm ngày vía thần Tài.

Từ đó, hằng năm, cứ vào ngày này, nhà nhà lại nô nức đi sắm lễ vật cúng thần Tài để cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, phát đạt hơn trong năm mới. Lâu dần thành tục lệ lưu truyền cho đến tận bây giờ.

 

 

  1. Phong tục mua vàng trong ngày vía Thần Tài

Trong năm, ngày vía Thần Tài không chỉ đơn thuần là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho gia chủ trong một năm vừa qua; ngày vía Thần Tài còn là ngày với mong muốn được "đổi vía" – khi có vía của vị Thần tài lộc sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới đến thật sung túc và bình an.

Cũng theo truyền thống văn hóa trong dân gian, vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, mọi nhà sẽ rộn ràng đi sắm đồ lễ cúng với mong muốn lấy vía Thần Tài để cầu làm ăn buôn bán, kinh doanh được thuận lợi, suôn sẻ.

Một trong những thói quen tồn tại bấy lâu này của người dân Việt mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch chính là đi mua vàng để thể hiện mong muốn được "buôn may bán đắt".

Việc mua vàng trong ngày này đã gần như trở thành phong tục không thể thiếu và cũng có thể dễ dàng hiểu bởi lẽ vàng chính là biểu tượng, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý.

Trên hết người ta còn cho rằng khi mùa vàng và cất trữ vàng vào két sắt, hoặc ví hoặc những nơi mang theo người sẽ mang đến điều may mắn, tài lộc sung túc cả năm tới gia chủ.

 

 

  1. Phong tục cúng cá lóc nướng ngày vía Thần tài

Tuy nhiên, ở khu vực miền Nam, người dân thường có tục lệ cúng thêm cá lóc nướng mới gọi là vẹn tròn, tươm tất. Phong tục này có từ bao giờ người ta cũng chẳng nhớ, và cũng không mấy ai biết vì sao lại cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài. Chỉ biết rằng, theo truyền thống tiếp nối từ đời cha ông, con cháu đời sau cứ đến ngày vía Thần Tài là tìm mua bằng được con cá lóc nướng trui ngon đẹp nhất để dâng cúng xin lộc làm ăn, buôn bán.

Cá lóc nướng dùng để làm lễ vật cúng Thần Tài phải được giữ nguyên con, không đánh vẩy, không cắt đuôi và vây. Khi nướng, dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm. 

Có người quan niệm rằng, dùng cá lóc nướng để cúng do đây là món ăn yêu thích của Thần Tài. Cũng có người cho rằng, cá lóc có sức sống mãnh liệt, khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau nên tượng trưng cho may mắn và thành công. Ngoài ra, người ta cũng truyền tai nhau về ý nghĩa dùng cá lóc nướng là để tưởng nhớ cuộc sống thiếu thốn, đói khổ của ông cha ta ngày xưa.

Để hiểu sâu về lý do tại sao người ta lại dùng cá lóc nướng để cúng, chúng ta cần ngược dòng thời gian về với văn hoá vùng Nam Bộ gắn liền với sông nước. Từ thuở hồng hoang, đời sống người dân Nam Bộ gắn liền nhiều với miền sông nước, kênh rạch, sinh ra và lớn lên, nên trong văn hoá họ thấm đượm sự biết ơn, trân trọng nơi nuôi dưỡng mình trưởng thành.

  1. Chúng ta học được gì từ thần tài?

Dù có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng tựu trung các vị thần tài đều là những nhân cách lớn: không màng vinh hoa phú quý mà sẵn sàng từ bỏ, đem năng lực và tài sản của bản thân đi bố thí với tâm từ bi không mưu cầu tư lợi. Đây là điều chúng ta cần phải học.

Hạnh bố thí phải xuất phát từ tâm từ bi

Luật nhân quả luôn tồn tại một cách công bằng nên khi tạo tác nhân thiện, chắc chắn quả thiện sẽ đến khi đủ duyên mà chẳng cần phải mong cầu. Đó là vì sao khi Phạm Lãi làm ăn khấm khá để bố thí mãi là như thế. Ông không hề mong cầu một đấng thần linh nào ban phước, ban tài cho ông mà ông tạo mọi của cải bằng chính đôi tay của mình.

Không ỷ lại và siêng năng làm việc

Dù công việc làm ăn thuận lợi, của tiền dư giả nhưng Phạm Lãi vẫn không dựa vào đó mà lười biếng lao động để hưởng thụ. Cách mà ông "hưởng thụ" thành quả của mình chính là phân phát tiền của cho người nghèo. Rồi lại tiếp tục lao động để có tiền mà bố thí.

Còn chúng ta thì đang làm ngược lại. Luôn giao phó vận mệnh tài lộc của mình ở một vị thần để van vái, cầu mong mà không tự mình làm chủ lấy mình. Để rồi khi không được như ý thì quay sang trách tại sao Thần Tài không linh thiêng.

Qua bài chia sẻ nguồn gốc ông Thần Tài và đức hạnh bố thí, chúng ta nên ngẫm nghĩ lại những bài học quý giá từ đức tính của ông Thần Tài noi gương và làm theo nếu muốn thật sự có tiền tài và giữ chúng được lâu hơn.

Đăng nhận xét

[blogger][facebook]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.